Vũ khí "bắt bài" biến chủng Delta trước nguy cơ "phủ sóng" toàn cầu
(Dân trí) - (Dân trí) -Nghiên cứu cho thấy vắc xin Covid-19 do AstraZeneca và Pfizer-BioNTech sản xuất có hiệu quả rộng rãi trong việc ngăn chặn các biến thể Delta và Kappa của virus gây đại dịch Covid-19.
Cuộc nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) thực hiện đã kiểm tra khả năng của các kháng thể trong máu của những người được tiêm vắc xin theo phác đồ 2 mũi. Mục tiêu của cuộc nghiên cứu nhằm xác định liệu vắc xin có thể vô hiệu hóa các biến chủng Delta và Kappa vốn rất dễ lây lan hay không.
Các nhà nghiên cứu Oxford cũng phân tích khả năng tái nhiễm ở những người đã từng mắc Covid-19. Nguy cơ tái nhiễm với biến thể Delta đặc biệt cao ở những người từng bị nhiễm biến chủng Beta và Gamma - 2 biến chủng xuất hiện ở Nam Phi và Brazil trước đó.
Hãng dược AstraZeneca ngày 22/6 dẫn nghiên cứu của Đại học Oxford được công bố trên tạp chí khoa học Cell cho thấy vắc xin Covid-19 của AstraZeneca có khả năng bảo vệ người tiêm trước cả hai biến chủng Delta và Kappa.
Tuần trước, dữ liệu phân tích của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho thấy vắc xin Covid-19 do Pfizer và AstraZeneca sản xuất thể giảm hơn 90% nguy cơ nhập viện do biến chủng Delta.
"Chúng tôi lạc quan khi xem xét kết quả nghiên cứu do Đại học Oxford công bố. Những dữ liệu này cùng với phân tích gần đây từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) đã cho chúng tôi thấy dấu hiệu tích cực rằng, vắc xin của chúng tôi có tác động đáng kể trong việc chống lại biến chủng Delta", giám đốc điều hành AstraZeneca Mene Pangalos cho biết.
Theo đại diện của AstraZeneca, kết quả nghiên cứu đã mở ra hy vọng rằng ngay cả khi biến chủng Delta tiếp tục lan rộng, vắc xin của AstraZeneca vẫn bảo vệ người dân khắp thế giới, đặc biệt ở Ấn Độ - nơi đầu tiên ghi nhận biến chủng. Ấn Độ cũng là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, với hơn 1.000 ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày.
Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan tuần trước cảnh báo biến chủng Delta đang dần trở thành chủng virus bao trùm toàn cầu do khả năng lây nhiễm cao.
Biến chủng Delta hay B.1617.2 của virus SARS-CoV-2 được cho là đã gây ra thảm kịch nghiêm trọng chưa từng có ở Ấn Độ những tháng đầu năm nay. Biến chủng Delta đã lan tới hàng chục quốc gia trên thế giới và vẫn đang tiếp tục đe dọa những quốc gia được tin là sắp cán đích trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch như Anh, Mỹ.
Ashish Jha, hiệu trưởng trường y tế cộng đồng thuộc Đại học Brown ở Mỹ, gọi Delta là "biến chủng dễ lây lan nhất từ trước đến nay". Giới chức y tế trên khắp thế giới đang thu thập và chia sẻ dữ liệu về mức độ lây lan của biến chủng mới này.
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện mối đe dọa từ Delta Plus, một đột biến mới của Delta. Ngoài Ấn Độ, biến chủng Delta Plus đã được phát hiện ở các quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nepal, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số hãng truyền thông cho rằng biến chủng đã được phát hiện sớm nhất ở châu Âu vào tháng 3.
Các nhà khoa học Ấn Độ cho biết, biến chủng Delta Plus có khả năng lây nhiễm cao, với khả năng liên kết dễ dàng hơn với các tế bào phổi và khả năng kháng liệu pháp điều trị kháng thể đơn dòng. Tuy nhiên, vẫn cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để xác định xem Delta Plus có nguy hiểm hơn biến chủng Delta ban đầu hay không.