1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ bắt giám đốc tài chính Huawei: Người Trung Quốc sẽ “quay lưng” với Mỹ?

(Dân trí) - Vụ giám đốc tài chính Huawei bị bắt đã tạo ra tâm lý nghi kỵ và lo ngại trong giới công nghệ ở cả Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đang tìm cách “tan băng” quan hệ sau cuộc chiến thương mại căng thẳng.


Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: Apple Daily)

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: Apple Daily)

Vài ngày sau khi giới chức Canada bắt Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, một trong những lãnh đạo công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, theo đề nghị của Washington, tập đoàn Cisco của Mỹ được cho là đã cảnh báo nhân viên rằng Trung Quốc có thể trả đũa.

Trong bức thư điện tử với tiêu đề “Hạn chế đi lại tới Trung Quốc”, Cisco, hãng công nghệ khổng lồ tại Thung lũng Silicon, đã nhắc nhở nhân viên tạm dừng các chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc “do những sự kiện xảy ra gần đây”. Tuy nhiên, Cisco sau đó nói rằng bức thư gửi đi bị lỗi và tập đoàn này không hạn chế nhân viên tới Trung Quốc.

Tuy vậy, theo New York Times, nỗi sợ hãi là có thật.

Vụ bắt giữ “sếp” Mạnh Vãn Chu của Huawei, “gã khổng lồ” trong ngành viễn thông Trung Quốc, dường như khiến một bộ phận giới tinh hoa, những người am hiểu về công nghệ và đang hoạt động ổn định ở cả Trung Quốc và Mỹ, rơi vào vòng xoáy của cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đối với nhiều doanh nhân công nghệ Trung Quốc, Mỹ bỗng nhiên không còn là “miền đất hứa” - nơi chào đón họ tới để nghiên cứu, làm việc và kiếm tiền như trước. Và đây là vấn đề lớn đối với cả Mỹ cũng như Trung Quốc.

Tâm lý lo ngại

Một số doanh nhân công nghệ tại Mỹ và Trung Quốc đang cân nhắc lại kế hoạch di chuyển, thậm chí xem xét lại các mối làm ăn của họ với nước còn lại. Nhiều người lo ngại kịch bản vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu sẽ tái diễn với họ. Trước đây, bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Huawei, từng được xem là một thành viên trong giới tinh hoa công nghệ và một người ở vị thế cao như bà được cho là sẽ không bao giờ đối mặt với nguy hiểm.

Liên quan tới vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, một doanh nhân công nghệ Trung Quốc từng được đào tạo tại Mỹ, cho biết sẽ không tới Mỹ trừ khi cần thiết. Một doanh nhân Trung Quốc khác nói rằng ông đang cân nhắc từ bỏ chiếc điện thoại iPhone yêu thích để chuyển sang dùng điện thoại thông minh Huawei.

Tâm lý lo ngại và khoảng cách giữa giới công nghệ Mỹ và Trung Quốc có xu hướng tăng lên trong bối cảnh chính phủ Mỹ ngày càng hoài nghi về tham vọng công nghệ của Bắc Kinh cũng như các mối liên kết kinh doanh của Trung Quốc tại những nơi như Thung lũng Silicon.

Người sáng lập của một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo Trung Quốc cho biết khi tới vịnh San Francisco hồi tháng 10, anh đã bị chất vấn kỹ lưỡng về việc nhập cảnh vào Mỹ. Trong khi đó, một nhà đầu tư Trung Quốc, người từng là cựu kỹ sư tại Thung lũng Silicon trước khi trở về Trung Quốc vài năm trước đây để thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đã quyết định để máy tính xách tay tại nhà, đồng thời xóa các tin nhắn trên mạng xã hội WeChat (Trung Quốc) còn lưu lại ở điện thoại trước khi tới Mỹ. Mục đích của việc làm này để đề phòng giới chức an ninh Mỹ tiếp cận các thông tin riêng tư.


Một cửa hàng bán điện thoại của Apple và Huawei tại Trung Quốc. (Ảnh: ABS-CBN)

Một cửa hàng bán điện thoại của Apple và Huawei tại Trung Quốc. (Ảnh: ABS-CBN)

Theo cây bút Li Yuan của New York Times, lần gần đây nhất bà chứng kiện giới tinh hoa Trung Quốc, những người vốn mang tư tưởng tự do, cảm thấy thất vọng với chính quyền Mỹ như vậy là sau khi xảy ra vụ máy bay Mỹ thả bom vào đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, Serbia vào năm 1999 khiến 3 người Trung Quốc thiệt mạng. Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh khối NATO do Mỹ dẫn đầu đang tiến hành cuộc không kích tại Nam Tư. Mỹ sau đó nói rằng vụ tấn công này là nhầm lẫn và đích thân cựu Tổng thống Bill Clinton đã có lời xin lỗi công khai hiếm hoi với Trung Quốc.

“Xét đến vấn đề an ninh quốc gia, chúng tôi có thể bắt đầu nghĩ tới khả năng đánh bật Apple khỏi Trung Quốc”, Fang Xingdong, nhà sáng lập viện nghiên cứu công nghệ ChinaLabs ở Bắc Kinh, viết trên WeChat.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, làn sóng chủ nghĩa dân tộc dâng cao, thể hiện qua những câu hô hào như: “Tẩy chay Cisco!”, “Hãy bắt giữ (giám đốc điều hành) Tim Cook của Apple!”.

Thiệt hại cho cả hai?

Giám đốc tài chính Huawei không phải nhân vật quan trọng đầu tiên của Trung Quốc vướng vòng lao lý với Mỹ. Tuần trước, một bồi thẩm đoàn ở New York đã kết tội Patrick Ho, cựu quan chức Hong Kong làm việc cho một công ty dầu khí Trung Quốc, với cáo buộc hối lộ. Hồi đầu năm, các nhà chức trách Mỹ ban hành lệnh cấm xuất khẩu với công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington với Iran. Lệnh cấm chỉ được gỡ bỏ hồi tháng 7 sau khi ZTE đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD và chấp nhận các biện pháp giám sát từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu lần này không giống các vụ việc trước đây. Là tập đoàn thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng thứ hai toàn cầu, Huawei được “tôn sùng” trong giới doanh nghiệp Trung Quốc vì đã đánh bại các đối thủ phương Tây và phát triển các công nghệ hàng đầu thế giới.

Có nhiều giai thoại về việc các kỹ sư và nhân viên kinh doanh của Huawei phải làm việc cật lực như thế nào. Nhiều người nói rằng họ kính trọng ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei và là cha đẻ của bà Mạnh Vãn Chu, hơn các “ông lớn” khác của Trung Quốc như tỷ phú Jack Ma của tập đoàn Alibaba hay Pony Ma của tập đoàn Tencent. Lý do bởi vì Huawei là tập đoàn duy nhất của Trung Quốc thực sự ghi được dấu ấn trên phạm vi toàn cầu.

Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu có liên quan trực tiếp tới những kế hoạch chống đối lệnh trừng phạt của Washington với Iran. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc không “tâm phục khẩu phục” với lý do này. Họ cho rằng vụ bắt giữ bà Mạnh là công cụ để Mỹ leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Họ cũng xem giám đốc tài chính Huawei là một “nạn nhân” của tranh chấp chính trị hơn là người vi phạm pháp luật.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu có thể dẫn tới thiệt hại cho cả hai bên. Thực tế cho thấy Bắc Kinh và Washington vẫn không thể tách rời nhau dù xung đột về thương mại. Đối với Trung Quốc, nền kinh tế nước này đang chững lại. Do vậy, nếu quan hệ làm ăn với Mỹ bị dừng lại, Trung Quốc có thể đối mặt với không ít khó khăn.

Trong khi đó, nếu làm căng với Bắc Kinh, Mỹ có nguy cơ mất đi “đồng minh” quan trọng là giới tinh hoa công nghệ Trung Quốc. Họ là những người hài lòng với cơ chế của Mỹ và luôn mở cửa với các giá trị phương Tây. Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ không xử lý khéo léo mối quan hệ với Trung Quốc, các “đồng minh” vốn luôn ngưỡng mộ hệ thống kinh tế, tư pháp và chính trị Mỹ sẽ buộc phải đưa ra lựa chọn. Và nếu phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, họ có lẽ sẽ ngả về phía Bắc Kinh.

Thành Đạt

Theo New York Times