1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt - Mỹ: Chuyện chưa kể về chuyến bay "vô tiền khoáng hậu" (P2)

(Dân trí) - "Vị trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói với ông Nguyễn Cơ Thạch rằng, sau khi ăn cơm trưa xong, đoàn Mỹ cần được đưa sang Sân bay Gia Lâm, nơi trực thăng đã đợi sẵn, rồi họ mới nói là đi đâu. Ông Thạch đồng ý ngay. Chuyến bay đặc biệt này hướng tới khu trại nằm giữa một khu rừng ở Thanh Hóa".

Ông Lê Văn Bàng trong cuộc trò chuyện với phóng viên

Ông Lê Văn Bàng trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí

Chuyến bay đặc biệt

Bên chén trà đã đặc quánh, nguội ngắt vì những câu chuyện không dứt về quá trình nối lại quan hệ giữa hai nước "cựu thù", ông Lê Văn Bàng - cựu đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ nhớ lại, vào khoảng những năm 1988-1989, nhiều người Mỹ tìm đủ cách để trừng phạt Việt Nam, chống Việt Nam bằng cách phao tin lính Mỹ còn sống bị giam ở Việt Nam đồng thời hỗ trợ những người Việt tại Mỹ biểu tình, mít tinh chống đại sứ quán Việt Nam.

"Quả tình, trong thời gian này, nội bộ Mỹ rất căng thẳng về vấn đề bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tổ chức Gia đình Người Mỹ mất tích kiên quyết phản đối cải thiện quan hệ với Việt Nam đến mức Quốc hội Mỹ phải ra dự luật cho phép treo cờ của tổ chức này ngang hàng với quốc kỳ Mỹ ở khắp nơi trong lãnh thổ. Lá cờ với biểu tượng đầu người tượng trưng cho người Mỹ mất tích mà họ cho rằng vẫn còn bị phía Việt Nam giam giữ".

Ông Bàng kể lại, vào năm 1991 khi ông vẫn đang ở trong nước, ông Winston Lord, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ sang thăm Việt Nam, đưa ra đề nghị cho phép phía Mỹ kiểm tra xem Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ hay không.

"Ông Lord nói với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ta khi đó là ông Nguyễn Cơ Thạch rằng, sau khi ăn cơm trưa xong, đoàn Mỹ cần được đưa sang Sân bay Gia Lâm, nơi trực thăng đã đợi sẵn, rồi họ mới nói là đi đâu. Ông Thạch đồng ý ngay với mong muốn xây dựng lòng tin với Mỹ. Chuyến bay đặc biệt này hướng tới khu trại nằm giữa một khu rừng ở Thanh Hóa. Trại này đã từng là nơi giam giữ tù binh thời chiến tranh nhưng lúc đó đã mục nát và cỏ mọc um tùm xung quanh, chứng tỏ là lâu lắm rồi không có ai ở. Đến lúc này phía Mỹ mới tin".

Còn về phía Việt Nam, có lúc hội chứng chiến tranh Mỹ cũng rất dữ dội. Vào khoảng thời gian từ năm 1995-1998, phía Mỹ tiếp cận với sứ quán ta để bày tỏ mong muốn tìm kiếm thông tin về người mất tích hoặc các liệt sĩ của họ đã tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi liên hệ, sứ quán không nhận được sự ủng hộ của trong nước vì lúc đó ta còn dè dặt trong quan hệ với Mỹ.

Hay chuyện phá bom mìn còn lại, có tổ chức Mỹ muốn giúp Việt Nam nhưng chúng ta khi đó đã không muốn nhận. Mãi về sau, Việt Nam mới phối hợp với phía Mỹ, nhưng chỉ làm tại một địa điểm để thí điểm. Bây giờ, vấn đề rà phá bom mìn là vấn đề cần sự chung tay của nhiều quốc gia mà hậu quả của nó có thể mấy chục năm nữa chưa hết được.

Có thời kỳ, việc tìm kiếm người Mỹ mất tích tại các nghĩa trang Việt Nam đều rất khó khăn, nhưng phía Mỹ cứ khăng khăng rằng những chỗ đó chắc chắn sẽ có, khiến quan hệ hai nước có những lúc căng thẳng.

"Có những việc sứ quán đã nhìn thấy khả năng có lợi nhưng trong nước chưa đồng tình. Và hơn nữa, sự thực là lúc đó tình cảm hai bên chưa đủ mạnh để vượt qua hội chứng chiến tranh. Nhưng rồi về sau tình hình được cải thiện dần vì Việt Nam luôn nghĩ tới truyền thống hòa hiếu sau chiến tranh", ông Bàng nhớ lại.

Năm 1995, khi Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang dự họp tại trụ sở Liên Hợp quốc, trong một buổi gặp gỡ bên lề, Chủ tịch nước có nói rằng nếu người Mỹ không vượt qua được quá khứ của mình thì không phải là một nước lớn. Đó là thông điệp Chủ tịch nước muốn gửi tới Mỹ "Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" vì sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.

Ông Bàng kể lại rằng, trong 9 năm ở Mỹ, ông đã chứng kiến rất nhiều cuộc biểu tình của người Việt tại Mỹ. Họ ném đá, trứng thối để chống phá các chuyến thăm Mỹ của giới lãnh đạo Việt Nam. Tháng 8/1995, ông đã đến quận Cam, tiểu bang California, nói chuyện công khai về quan hệ Việt-Mỹ cho người Mỹ nghe. "Nhiều người bạn tại quận Cam khuyên tôi không nên đi để đảm bảo an toàn, nhưng tôi vẫn quyết đi. Và thực tế là, trong buổi nói chuyện đó tôi luôn bị quấy rối khiến cảnh sát phải can thiệp".

Ông đã đi tới 40 bang để nói với người Mỹ rằng: Việt Nam không phải là chiến tranh, Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình... Có những bang như California hay New York, ông đã tới hàng chục lần với nỗ lực để giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, để kết nối người Việt với đất nước, để họ luôn hướng về đất nước.

Xóa hố ngăn cách

Ông Lê Văn Bàng cho rằng, "chúng ta chưa thành công lắm trong vấn đề người Việt ở Mỹ. Tôi cảm thấy rằng không ít người trong chúng ta chưa thực sự cố gắng hết sức mình cho vấn đề này. Hiện nay có khoảng gần 2 triệu người Việt tại Mỹ, nhiều người làm ăn thành công, nhiều người về Việt Nam nhưng không phải đa số đã thực sự hướng về đất nước".

Không chỉ bị chi phối bởi tình hình khu vực và thế giới, tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ còn vấp phải không ít khó khăn "bên trong" ở cả hai nước. Đó chính là hội chứng chiến tranh đã hằn sâu trong tâm trí nhiều người dân Mỹ và Việt Nam. Có những lúc điều kiện bên ngoài thông suốt, thuận lợi cho thúc đẩy đàm phán thì chính hội chứng này lại đẩy lùi tiến trình khiến hai nước chưa thể xích lại gần nhau hơn.

Theo cựu đại sứ Lê Văn Bàng, Hội chứng chiến tranh Mỹ là vấn đề sâu xa do lịch sử để lại. Nhiều người từ miền Bắc vào Nam năm 1954; nhiều người từ miền Nam Việt Nam sang Mỹ sau năm 1975 mang theo cái hận mất đất, mất họ hàng... Để hóa giải hội chứng chiến tranh là một vấn đề nan giải và rất mất thời gian vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của con người sau mấy chục năm qua, đặc biệt là trong lòng các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, thương binh của hai nước.

"Phải làm thế nào để họ có thể bằng lòng với những giải thích của mình. Đây là vấn đề của dân tộc, giai cấp, đối kháng... Mình phải kéo họ lên, đặt họ ngang hàng với mình, xóa bỏ hố ngăn cách về giai cấp, về chính trị, địa vị xã hội, kinh tế; trân trọng tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước của họ. Cần đối thoại cởi mở, kể cả về những điểm còn khác biệt để giúp họ hiểu chính sách, chủ trương, sự đổi mới của đất nước và đặc biệt cần khuyến khích, tạo điều kiện để bà con về thăm, làm ăn hay đầu tư ở trong nước".

Sự hóa giải thành công trước hết phải là ý chí chính trị của hai nước, đặc biệt là giới lãnh đạo, chính phủ hai nước phải có bước đi, kế hoạch để dần dần tạo hình ảnh tốt đẹp về quan hệ hai nước.

Theo vị cựu Đại sứ, cần phải có người đứng ra nói rằng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển vì lợi ích dân tộc là trên hết để tất cả người Việt dù ở đâu cũng hãy chung tay hướng về đất nước.

Ông Bàng cho rằng điều ông ấn tượng và bất ngờ nhất chính là ở con số gần 17.000 học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ. Việt Nam hiện đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 8 thế giới về số học sinh du học tại Mỹ, chính họ sẽ là các "đại sứ" kết nối quan hệ hai nước. 

(Còn nữa)

Nam Hằng