20 năm quan hệ Việt - Mỹ: Cùng nhìn về tương lai

Câu chuyện cháu nội của cố Tổng bí thư Lê Duẩn du học ở Mỹ (P1)

(Dân trí) - Ngay trong thời khắc chiến tranh tàn khốc nhất, bom đạn từ B.52 của Mỹ rơi khắp phố phường Hà Nội, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có tầm nhìn xa tới sau cuộc chiến tranh. Ông xác định: “Mỹ sẽ là bạn hàng lớn của Việt Nam…”.

Năm 1995, Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton đã công bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Sau hai thập kỷ hợp tác và phát triển, 2 quốc gia cựu thù đã trở thành đối tác toàn diện. 2015 là một mốc quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam và Mỹ. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại, đánh giá những thành quả đạt được sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, đồng thời phân tích những cơ hội và thách thức trong những thập kỷ tới.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Kiên Thành về chủ đề này.

Ông Lê Kiên Thành (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Ông Lê Kiên Thành (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Và cháu nội của cố Tổng bí thư đã du học tại Mỹ

Trong các đời Tổng Bí thư (TBT) của Đảng ta thì cố TBT Lê Duẩn là nhà lãnh đạo gắn bó suốt đời hoạt động Cách mạng với cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Cuộc chiến tranh tàn khốc đã lùi xa 40 năm. Nay Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ. Nhiều con em người Việt đã đi du học ở Mỹ, trong đó có con em của nhiều cán bộ Đảng viên. Con trai của ông là cháu nội của cố TBT Lê Duẩn cũng đã từng  du học tại Mỹ. Giả sử, cố TBT Lê Duẩn còn sống, điều này có xảy ra không, thưa ông?

Ông Lê Kiên Thành: Có một số người có thể nghĩ rằng ba tôi (tức cố TBT Lê Duẩn) không thích Mỹ vì từng có thời gian dài Việt Nam và Mỹ là kẻ thù của nhau. Đó là giai đoạn mà ông giữ cương vị lãnh đạo cao nhất. Điều này hoàn toàn không đúng!

Tôi xin minh chứng nhận định của mình bằng hai câu chuyện thật, thế này:   

Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, ba tôi về Hải Phòng thăm một nhà máy dệt thảm len xuất khẩu. Cùng đi chuyến công tác này với ba tôi, có một vị lãnh đạo Sở Thương nghiệp TP.Hải Phòng và cũng là Thành ủy viên…

Vào xưởng sản xuất, ba tôi gặp một cô công nhân dệt thảm len xuất khẩu. Ông trò chuyện rồi hỏi: Cô có biết đồng đô la không? Cô gái ú ớ chưa biết trả lời thế nào thì vị lãnh đạo này đã trả lời rằng: “Thưa anh, tôi còn không biết nữa là…”. Ba tôi nghiêm mặt bảo: “Những người làm xuất khẩu phải biết và phải hiểu về đồng đô-la. Chúng ta đang đánh nhau với Mỹ, nhưng sau khi kết thúc chiến tranh, Mỹ sẽ là bạn hàng lớn của Việt Nam”.

Sau này, tôi có được nghe vị lãnh đạo này kể lại: Lúc ấy, bản thân vị lãnh đạo này cũng lấy làm lạ, không thể hiểu được tại sao Mỹ có thể là bạn hàng lớn của Việt Nam chứ không phải Liên Xô hay Trung Quốc sau khi chiến tranh kết thúc?

Rất nhiều người Việt Nam ta cũng không hiểu tư duy và tầm nhìn của ba tôi lúc bấy giờ!  

Chuyện thứ hai cũng rất ít người biết. Trong 26 năm ba tôi làm Bí thư thứ nhất rồi TBT Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Cu Ba Phidel Castro đã sang thăm nước ta 2 lần, lần nào ông Phidel cũng tha thiết mời ba tôi qua thăm Cu Ba.

Trong phong trào Cách mạng thế giới thì Việt Nam và Cu Ba là trường hợp vô cùng đặc biệt, giữa hai nước có mối quan hệ hữu nghị thân thương, gắn bó mật thiết với nhau không gì có thể so sánh được. Chúng ta chiến đấu vì độc lập của mình nhưng cũng có một phần vì Cu Ba anh em. Thế nhưng trong 26 năm đó, ba tôi chưa một lần sang thăm Cu Ba và kể cả sau khi kết thúc chiến tranh với Mỹ.

Ba tôi tâm sự rằng, ông không muốn Mỹ hiểu lầm Việt Nam bắt tay với Cu Ba là để chống Mỹ. Việt Nam đoàn kết với Cu Ba, chiến đấu vì Cu Ba nhưng chúng ta không chống Mỹ kiểu đó. Chúng ta phải để cho nhân dân Mỹ, người Mỹ hiểu rõ mục đích chiến đấu của dân tộc ta là chống lại hành động xâm lược của Mỹ chứ không hề chống lại nước Mỹ, chống lại nhân dân Mỹ. Điều này có lợi cho Cách mạng Việt Nam và cả Cách mạng Cu Ba.

Kể cả sau ngày giải phóng miền Nam, ba tôi vẫn bảo, nên chậm lại một chút để thuận lợi hơn cho công tác phục hồi ngoại giao với Mỹ. Mối tình son sắt, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam và Cu Ba không thể vì chuyện ba tôi không sang thăm mà giảm đi. Ông tin rằng Phidel và bạn bè Cu Ba hiểu được nguồn gốc sâu xa như vậy. Đó là sự khôn ngoan cần phải có khi cả hai nước anh em nhỏ bé trước một đối thủ lớn mạnh hơn gấp bội. Việt Nam và Cu Ba luôn cần có sự chia sẻ, cảm thông và ủng hộ từ những người Mỹ yêu chuộng hòa bình, công lý, từ những người Mỹ trong lòng nước Mỹ!

Tôi còn biết một câu chuyện nữa là sau ngày giải phóng, một ông cán bộ ngoại giao của ta sang Mỹ thăm xong về báo cáo kết quả chuyến đi với ba tôi. Vị cán bộ này nói về toàn những cái xấu của nước Mỹ. Nghe được một đoạn, ba tôi ngắt lời, hỏi: “Theo anh, nước Mỹ toàn xấu vậy thì mình quan hệ ngoại giao với người ta làm gì?”.

Trong suốt thời gian lãnh đạo cuộc kháng chiến, kể cả những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, ba tôi vẫn luôn nhìn thấy ở nước Mỹ như người bạn tương lai của Việt Nam, dù hiện tại là kẻ thù của nhau. Và dù hiện tại có khốc liệt đến đâu, cũng không che khuất tầm nhìn chiến lược của ông. Ông chống hành động của Mỹ để bảo vệ độc lập dân tộc nhưng cũng rất trân trọng nước Mỹ, ông thấy được vai trò và vị trí của họ, vị thế của nước Mỹ đối với sự phát triển của thế giới  - trong đó có Việt Nam mình.

Vậy tại sao sau khi kết thúc chiến tranh vào ngày 30/4/1975, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ bị đóng băng kéo dài? Đó là tại Việt Nam hay tại Mỹ? So với nước Nhật, từng là kẻ thù của Mỹ, bị Mỹ ném xuống hai quả bom nguyên tử nhưng kết thúc chiến tranh, Mỹ - Nhật nhanh chóng trở thành đồng minh gắn bó cho đến nay?

Ông Lê Kiên Thành: Lịch sử luôn có những khúc quanh và góc khuất của nó. Việt Nam có những thăng trầm của mình, có lúc bị đẩy vào hoàn cảnh không may.

Tôi đã từng hỏi những nhân vật quan trọng ở Đại sứ quán Mỹ rằng: Tại sao có mấy nghìn người bị sát hại ở một nước châu Phi, nước Mỹ nhảy vào cứu. Còn ở Campuchia, chính quyền PolPot được một số quốc gia mang tư tưởng sô vanh nước lớn đứng phía sau bảo vệ, mấy triệu người bị sát hại, Mỹ không cứu. Nhưng khi chúng tôi vào cứu thì các ông chống chúng tôi? Hai hành động của Mỹ ở châu Phi và Việt Nam ở Campuchia có gì khác nhau? Không người Mỹ nào lý giải được điều đó!

Sau chiến tranh năm 1975, khi mà Việt Nam vẫn còn muôn vàn khó khăn cần giải quyết thì đã phải nhảy vào cứu một dân tộc láng giềng đang bị họa diệt chủng. Cả thế giới ngoảnh mặt làm ngơ trước sự sống còn của một dân tộc (!?).  Mỹ còn gián tiếp ủng hộ những kẻ đang đứng sau, “hà hơi” tiếp sức cho PolPot. Đến bây giờ, chính nhiều người Mỹ đã thừa nhận đây là điều sỉ nhục của nước Mỹ.

Việt Nam đã làm một điều cao cả, để có thể ngẩng cao đầu bước lên diễn đàn của Liên hiệp quốc mà hỏi rằng: Liên hiệp quốc ở đâu khi mà cả một dân tộc bị chà đạp, bị đọa đày diệt chủng như vậy? Giờ đây, Liên hiệp quốc đã đưa nhiều tên tội phạm ra xét xử tội ác chống loài người. Bộ mặt sát nhân của chính quyền PolPot đã rõ ràng. Ai đứng sau lưng bảo kê, “hà hơi” cho những kẻ sát nhân, cả thế giới đều biết. Nhưng vai trò của Việt Nam cứu một dân tộc trước họa diệt chủng chưa ai nói cho thật rõ, thật công bằng, chưa ai “minh oan” cho Việt Nam?  

Chiến tranh ở Việt Nam dù đã kết thúc, nhưng đẩy Mỹ vào thế là bất kể Việt Nam làm gì Mỹ cũng chống. Việt Nam hy sinh xương máu, danh dự để cứu một dân tộc, Mỹ cũng chống! Ngược lại, Mỹ làm gì Việt Nam cũng chống! Đây là điều không may trong lịch sử với cả hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ mà chúng ta cần phải dũng cảm vượt qua. 

Đó là lý do tại sao dù rất mong muốn, nhưng mối bang giao Việt – Mỹ lại bị chậm, dù hai bên rất mong muốn. Nhìn lại lịch sử thì ta phải nhìn cho hết tất cả những khía cạnh của nó. Cái đó không phải là do chúng ta vì chúng ta luôn muốn hòa bình, chúng ta hi sinh và nghĩ tới cả những chi tiết nhỏ để mong muốn kiến tạo cơ hội cho hòa bình.  

Cuộc chiến tranh khốc liệt nhất thế kỷ 20 của dân tộc ta xảy ra vào một thời điểm lịch sử không may mắn. Vị trí địa lý của nước ta vào thời điểm lịch sử đó càng làm cho điều không may lớn hơn và rộng hơn nhiều. Cho nên, quá trình phục hồi lại bang giao cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn khiến bị chậm hơn nhiều so với mong muốn của hai bên, trong đó có ba tôi! 

Sau khi đất nước thống nhất, cố TBT Lê Duẩn tiếp tục tại vị cho đến năm 1986. Trong quãng thời gian đó cố TBT có đi thăm nước nào ngoài khối XHCN để tìm hiểu lối sống và cách điều hành xã hội của họ chưa?

Ông Lê Kiên Thành: Ba tôi rất muốn sang thăm một nước tư bản để nhìn tận mắt và hiểu cách sinh hoạt, tổ chức xã hội cũng như nhiều thứ khác của họ. Nhưng tiếc rằng giai đoạn sau 1975 có quá nhiều chuyện phải giải quyết.

Có lần TBT Đảng Cộng Sản Pháp mời ba tôi qua thăm Pháp. Ba tôi rất muốn đi. Nhưng tình hình lúc ấy còn nhiều cản trở nên Bộ Chính trị chưa cho đi.

Với nước Mỹ, dù chưa đặt chân đến nhưng qua cách suy nghĩ ta thấy được ông rất quan tâm và hiểu rất nhiều về nước Mỹ!

(Còn tiếp)

Duy Chiến - Việt Khuê thực hiện