1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Viện trợ cho Ukraine lao dốc, Mỹ có thể gửi quân tới Ukraine?

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được cho là đã cảnh báo về khả năng điều lính Mỹ tới chiến đấu với Nga, nếu các nhà lập pháp không chấp thuận bổ sung viện trợ cho Kiev.

Viện trợ cho Ukraine lao dốc, Mỹ có thể gửi quân tới Ukraine? - 1

Binh sĩ Ukraine tập trận ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Viện trợ nước ngoài được coi là một trong những lý do chính giúp Ukraine đạt được những bước tiến trong cuộc xung đột với Nga, nhưng một báo cáo mới cho thấy viện trợ dành cho Ukraine đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây.

Báo cáo từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel) cho thấy các gói viện trợ mới đã giảm 87% từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng viện trợ cam kết hiện tại cũng là mức thấp nhất được dự án Ukraine Support Tracker của IfW Kiel ghi nhận kể từ tháng 1/2022, một tháng trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo dữ liệu từ IfW Kiel, Ukraine vẫn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Mỹ, Đức và các nước khác để tăng cường khả năng phòng thủ. Sự hỗ trợ được tổ chức này ghi nhận bao gồm hỗ trợ tài chính và các trang thiết bị quân sự như xe tăng và máy bay chiến đấu.

Tuy nhiên, Christoph Trebesch, người đứng đầu nhóm Ukraine Support Tracker và là giám đốc trung tâm nghiên cứu tại Viện Kiel, cho biết "số liệu của chúng tôi đã xác nhận điểm đáng lưu ý về thái độ do dự hơn của các nhà tài trợ trong những tháng gần đây".

"Việc trì hoãn (cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine) rõ ràng sẽ củng cố vị thế của (Tổng thống) Putin", Trebesch nhận định.

Tài trợ cho Ukraine đã trở thành vấn đề nóng ở Mỹ và các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ hôm 6/12 đã chặn một dự luật tài trợ bổ sung trong một cuộc bỏ phiếu bao gồm viện trợ cho Ukraine, Israel và Đài Loan. Gói này sẽ cung cấp 61 tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine.

Trước cuộc bỏ phiếu của Thượng viện, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố gói viện trợ cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine lên tới 175 triệu USD.

Tuy vậy, phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình nhân chuyến thăm Mỹ hôm 5/12, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, vẫn cảnh báo rằng nếu quốc hội Mỹ không phê chuẩn viện trợ quân sự thêm, Ukraine sẽ khó giành lại thêm lãnh thổ từ Nga và có nguy cơ thua trận.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cho rằng, Washington phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của Ukraine nếu quốc hội nước này không thông qua đề xuất gói viện trợ của Tổng thống Biden.

Hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị quốc hội thông qua gói ngân sách trị giá khoảng 106 tỷ USD, trong đó dành hơn 60 tỷ USD để viện trợ cho Kiev. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn gặp trở ngại do sự phản đối của một bộ phận nghị sĩ tại quốc hội.

Mỹ có thể điều quân chiến đấu với Nga?

Theo người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Tucker Carlson, trong phiên điều trần kín tại Hạ viện hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo Mỹ có thể phải điều quân chiến đấu với Nga tại Ukraine nếu quốc hội không phê chuẩn thêm viện trợ cho Kiev.

"Chúng tôi sẽ điều chú bác, anh em và con trai của các bạn tới chiến đấu với Nga", Carlson dẫn lời Bộ trưởng Austin nói.

Khi được tỷ phú Elon Musk đặt câu hỏi về tính xác thực của lời cảnh báo từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người dẫn chương trình Fox News nhấn mạnh rằng thông tin này là đúng sự thật. "(Ông Austin) thực sự đã nói như vậy. Thông tin này được xác nhận", Carlson nhấn mạnh.

Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ trị giá hơn 120 tỷ USD cho Kiev kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào tháng 2/2022. Khoản viện trợ được cung cấp dưới dạng vũ khí và đạn dược từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc cũng như các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, khoản viện trợ này đang cạn dần.

Theo Newsweek