1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cam kết viện trợ cho Ukraine thấp chưa từng thấy

Quốc Đạt

(Dân trí) - Cam kết viện trợ mới của phương Tây cho Ukraine đang ở mức thấp chưa từng thấy, gần 2 năm sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt", theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel có trụ sở tại Đức.

Cam kết viện trợ cho Ukraine thấp chưa từng thấy - 1

Binh sĩ thuộc Lữ đoàn pháo binh độc lập số 55 của Ukraine mang đạn pháo cho pháo tự hành Caesar gần thị trấn Avdiivka ở tỉnh Donetsk, Ukraine ngày 31/5 (Ảnh: Reuters).

"Động lực hỗ trợ Ukraine đã chậm lại", Viện Kiel kết luận trong báo cáo theo dõi viện trợ Ukraine mới nhất, đồng thời cho biết các cam kết viện trợ nhân đạo, tài chính và quân sự từ tháng 8 đến tháng 10 đã giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Châu Âu - bao gồm các thành viên ngoài EU nhưng là thành viên NATO như Vương quốc Anh, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ - là bên viện trợ lớn nhất cho Ukraine, với cam kết viện trợ quân sự 51,5 tỷ euro, cao hơn mức 43,9 tỷ euro mà Mỹ cam kết.

Tổng cộng, các thành viên EU và NATO đã cam kết viện trợ quân sự gần 100 tỷ euro cho Ukraine, theo số liệu của Viện Kiel.

Nhưng trong khi viện trợ của châu Âu được trải dài trong vài năm, thì số vũ khí mà Mỹ hứa hẹn đã đến tay Ukraine hoặc sẽ được giao trong vòng một năm. Và Mỹ vẫn là nhà tài trợ viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine.

Nếu tính theo bình quân đầu người, các quốc gia hào phóng nhất sẽ là 3 nước thuộc Liên Xô cũ: Estonia, Latvia và Lithuania, với cam kết 1,6 tỷ euro.

Đương nhiên, một số vết rạn nứt đã xuất hiện trong lập trường ủng hộ của một số nước láng giềng với Ukraine.

Ba Lan, một trong những nước ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất kể từ tháng 2/2022, cho biết vào tháng 9 rằng họ sẽ chỉ thực hiện các thỏa thuận vũ khí ký từ trước với Kiev sau khi 2 nước bất đồng về việc Ba Lan nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Trong khi đó, chính phủ mới của Slovakia hồi đầu tháng 11 đã chặn gói viện trợ quân sự trị giá 40,3 triệu euro mà chính quyền tiền nhiệm đã lên kế hoạch.

Trong tháng đầu tiên của chiến sự, các đồng minh NATO đã gửi cho Ukraine chủ yếu là vũ khí phòng thủ nhưng danh sách này nhanh chóng mở rộng bao gồm pháo, trực thăng chiến đấu, máy bay không người lái, bệ phóng loạt tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Khi chiến sự bước sang năm thứ hai, vũ khí ngày càng nặng hơn.

Cam kết viện trợ cho Ukraine thấp chưa từng thấy - 2

Một hàng xe tăng M1 Abrams tại Fort Carson ở bang Colorado, Mỹ. Xe tăng Abrams đã tham chiến tại Ukraine (Ảnh: AP).

Đầu năm nay, Kiev bắt đầu nhận được các loại xe tăng hiện đại của phương Tây mà họ mong muốn, bao gồm cả xe tăng Leopard do Đức sản xuất.

Anh và Pháp đã gửi tên lửa hành trình tầm xa trong khi Mỹ gửi tên lửa đạn đạo tầm xa.

Vào tháng 2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt đầu đề nghị được viện trợ máy bay chiến đấu phương Tây thay thế các mẫu máy bay cũ của Liên Xô nhằm yểm trợ trên không cho cuộc phản công.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5 đã bật đèn xanh cho các nước khác cung cấp một số máy bay phản lực F-16 của mình.

Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine một số máy bay của họ sau khi đào tạo các phi công của Kiev.

Một trung tâm đào tạo đã được khai trương vào giữa tháng 11 ở Romania.

Sau khi cuộc phản công của Kiev được phát động vào tháng 6 nhưng tới nay chưa đạt được nhiều tiến triển, Tổng thống Zelensky gần đây tiếp tục kêu gọi các nước viện trợ thêm vũ khí, nhất là từ Mỹ.

Quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine đã đưa ra "danh sách các loại vũ khí đáp ứng nhu cầu của lực lượng phòng thủ Ukraine" trong phiên họp kín của một hội nghị ở Washington hôm 6/12, theo Reuters.

Danh sách này đề cập một số khí tài có giá trị lớn như máy bay vận tải C-17 Globemaster và C-130 Super Hercules, trực thăng tấn công Apache và Black Hawk, tiêm kích F-18 "Hornet", 3 loại máy bay không người lái trong đó có MQ-9B Sky Guardian, và hệ thống phòng không Terminal High Altitude Area Defense (THAAD).

Theo AFP, Reuters