1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vị thế “bất khả xâm phạm” của con rể Tổng thống Trump

(Dân trí) - Chàng rể doanh nhân Jared Kushner của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong Nhà Trắng. Giới chuyên gia cho rằng điều này "chưa từng có tiền lệ" và cũng cho thấy số người mà ông Trump thực sự tin tưởng là rất ít.


Jared Kushner (trái), con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Washington Post)

Jared Kushner (trái), con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Washington Post)

Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hồi đầu tuần này đã đặt chân tới Iraq, một quốc gia có vị trí quan trọng ở Trung Đông. Đây được coi là chuyến thăm “chưa có tiền lệ” bởi thông thường chuyến thăm kiểu này thường do đích thân tổng thống Mỹ sẽ đi hoặc sẽ cử ngoại trưởng hay cố vấn an ninh quốc gia đi thay.

Thêm vào đó, chuyến thăm của Kushner cũng khiến Lầu Năm Góc “phật ý” bởi lẽ Nhà Trắng công bố thông tin về chuyến thăm trước khi Kushner đáp máy bay xuống Iraq. Thông thường, giới chức quân sự Mỹ sẽ thận trọng cung cấp thông tin về những chuyến thăm của quan chức cấp cao vì lý do an ninh.

Điều này cho thất vai trò khá đặc biệt của doanh nhân Kushner tại Nhà Trắng. Trong một chính quyền coi trung thành là yêu cầu tối thượng, vị thế của Kushner ngày càng được mở rộng và hiện giờ đã ở mức gần như “bất khả xâm phạm”.

Tầm ảnh hưởng của Kushner được mở rộng trong cả lĩnh vực chính sách đối ngoại và đối nội, thêm vào đó là vai trò hòa giải những bất đồng trong nội bộ hàng ngũ của Nhà Trắng.

Với tầm ảnh hưởng này, Kushner có vị thế giống như một ngoại trưởng “ngầm” khi trực tiếp đứng ra thiết lập các kênh liên hệ với các nguyên thủ thế giới. Nói cách khác, vai trò và mối quan hệ của Kushner với Tổng thống Trump là chưa từng có tiền lệ.

Thomas Mann, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, nhận định: “Tổng thống Trump dường như chỉ tin cậy vào các thành viên thân cận trong gia đình mình”. Chung quan điểm này, ông Doug Wilson, một cựu quan chức dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama, cho rằng việc ông Trump trông cậy quá nhiều vào Kushner cho thấy “số người mà ông thực sự tin tưởng rất ít”.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Trump, chàng rể Kushner đã âm thầm củng cố ảnh hưởng và cuối cùng có vai trò giống như người quản lý chiến dịch cho bố vợ. Ngay khi ông Trump nhậm chức, Kushner cũng nhanh chóng thiết lập các liên lạc giữa ông Trump với lãnh đạo của hơn 20 quốc gia trên thế giới. Hơn 2 tháng sau khi ông Trump nhậm chức, Kushner tiếp tục được giao vai trò đứng đầu Văn phòng sáng tạo - một văn phòng mới do ông Trump lập ra ở Nhà Trắng.

Tuy nhiên, giáo sư Paul Light tại Đại học New York cho rằng, việc giao quá nhiều vai trò cho chàng rể Kushner là “thiếu khôn ngoan, chưa có tiền lệ”. Ông Dennis A. Ross cố vấn Viện Nghiên cứu về các Chính sách Cận Đông tại Washington và từng là đặc sứ Mỹ tại Trung Đông, Kushner nên đóng vai trò của một “ngoại trưởng” kiểu truyền thống hơn là một nhà đàm phán chuyên giải quyết những vụ việc lặt vặt hàng ngày.

Minh Phương

Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm