1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao trục vớt máy bay chiến đấu Mỹ rơi ở Biển Đông là nhiệm vụ khó khăn?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định việc trục vớt máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ bị rơi ở Biển Đông sẽ là nhiệm vụ khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau.

Vì sao trục vớt máy bay chiến đấu Mỹ rơi ở Biển Đông là nhiệm vụ khó khăn? - 1

Máy bay chiến đấu F-35C trên tàu sân bay USS Carl Vinson (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Một máy bay tàng hình F-35C Lightning II của Mỹ hôm 24/1 đã gặp sự cố "hạ cánh sai trên boong" khi tàu sân bay USS Carl Vinson đang hoạt động ở Biển Đông. Sự cố này khiến 7 thủy thủ bị thương, phi công của máy bay đã kịp kích hoạt ghế phóng thoát ra ngoài.

Hôm 27/1, một bức ảnh rò rỉ trên mạng cũng hé lộ hình ảnh được cho là khoảnh khắc cuối cùng của chiếc F-35C xấu số. Bức ảnh cho thấy máy bay nằm trên mặt biển, nắp cabin đã mở và vùng nước xung quanh có màu trắng đục cùng một số mảnh vỡ.

Một video được chia sẻ trên mạng xã hội hôm 28/1 đã ghi lại hình ảnh được cho là khoảnh khắc cuối cùng của máy bay chiến đấu F-35C của Hải quân Mỹ gặp sự cố ở Biển Đông. Hải quân Mỹ khẳng định tính xác thực của đoạn video này.

Video khoảnh khắc cuối cùng của máy bay chiến đấu Mỹ rơi ở Biển Đông

Hải quân Mỹ hiện vẫn chạy đua với thời gian để tìm kiếm và trục vớt xác máy bay trong bối cảnh giới quan sát cho rằng Trung Quốc có thể nắm được công nghệ của F-35C - một trong những máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với Navy Times rằng "đây là máy bay tinh vi nhất của Mỹ, có tất cả thiết bị điện tử mà đối thủ của Mỹ rất mong muốn được sở hữu".

Sự cố hôm 28/1 là vụ tai nạn thứ 3 liên quan đến máy bay F-35 và Hải quân Mỹ đã có kinh nghiệm đáng kể trong việc trục vớt các mảnh vỡ ở vùng biển sâu.

Vì sao trục vớt máy bay chiến đấu Mỹ rơi ở Biển Đông là nhiệm vụ khó khăn? - 2

Hình ảnh được cho là khoảnh khắc cuối cùng của máy bay F-35 của Hải quân Mỹ trước khi chìm xuống Biển Đông hôm 24/1 (Ảnh: Getty).

Cuối năm ngoái, Hải quân Mỹ đã giúp Hải quân Hoàng gia Anh trục vớt một máy bay chiến đấu F-35B từ Địa Trung Hải. Máy bay này bị rơi sau khi cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.

Tuy nhiên, Mỹ đã từ bỏ chiến dịch giúp tìm kiếm mảnh vỡ máy bay chiến đấu F-35A của Nhật Bản bị mất tích ở Thái Bình Dương vào năm 2019. Chỉ một số mảnh vỡ nhỏ được Nhật Bản trục vớt, sau khi máy bay này được cho là đã lao xuống nước với tốc độ tối đa.

Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng độ sâu của khu vực máy bay F-35C Mỹ rơi xuống Biển Đông, nơi có độ sâu tối đa lên tới hơn 5.000 m, sẽ là yếu tố quyết định liệu hoạt động trục vớt có thành công hay không.

Fu Qianshao, một chuyên gia về thiết bị của Lực lượng Không quân Trung Quốc đã nghỉ hưu, cho biết máy bay chiến đấu của Mỹ có thể đã bị dòng nước cuốn đi khỏi vị trí ban đầu và thiệt hại gây ra cho máy bay cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình trục vớt.

Vì sao trục vớt máy bay chiến đấu Mỹ rơi ở Biển Đông là nhiệm vụ khó khăn? - 3

Tàu sân bay USS Carl Vinson (Ảnh: Hải quân Mỹ).

"Hoạt động trục vớt phụ thuộc vào độ sâu của vùng nước nơi máy bay rơi xuống. Nếu nó rơi xuống vùng nước nông, việc trục vớt chắc chắn sẽ dễ dàng hơn", chuyên gia Fu nhận định.

"Trước tiên họ phải xác định vị trí của máy bay. Máy bay này chưa chắc đã nằm ở nơi nó rơi xuống biển, mà có thể đã trôi đi theo dòng hải lưu", chuyên gia Trung Quốc cho biết.

Theo ông Fu, mức độ hư hại của thân máy bay sẽ ảnh hưởng đến việc liệu máy bay của Mỹ có thể được trục vớt nguyên vẹn hay chỉ có thể trục vớt các mảnh vỡ. Ông nói thêm rằng, máy bay chiến đấu F-35B của Anh đã được trục vớt từ Địa Trung Hải, nơi các dòng chảy không phức tạp như ở Biển Đông.

Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cũng cho rằng việc trục vớt máy bay của Hải quân Mỹ sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, tùy thuộc vào độ sâu của máy bay khi rơi xuống nước cũng như điều kiện dưới biển.

"Sẽ là một vấn đề khó khăn nếu (máy bay rơi ở) độ sâu hơn 1.000 m... dòng chảy và môi trường dưới nước vẫn chưa rõ ràng, trong khi thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động trục vớt. Đó chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ khó khăn và phụ thuộc vào việc Mỹ muốn chi bao nhiêu tiền cho việc này", chuyên gia Zhou nói.

Theo www.scmp.com