DMagazine

Vì sao Triều Tiên thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu?

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên có những tính toán về mặt chiến lược khi ra luật mới tuyên bố là quốc gia hạt nhân và cho phép tấn công phủ đầu để tự vệ bằng loại vũ khí này.

VÌ SAO TRIỀU TIÊN THÔNG QUA LUẬT CHO PHÉP TẤN CÔNG HẠT NHÂN PHỦ ĐẦU?

Giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên có những tính toán về mặt chiến lược khi ra luật mới tuyên bố là quốc gia hạt nhân và cho phép tấn công phủ đầu để tự vệ bằng loại vũ khí này.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 9/9 thông báo, Triều Tiên đã thông qua luật mới cho phép nước này có quyền tấn công phủ đầu để tự bảo vệ trong kịch bản Bình Nhưỡng đối diện với mối đe dọa bên ngoài.

Luật mới cũng quy định rằng, tình trạng hạt nhân của nước này là không thể đảo ngược, đồng thời cấm các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trong tương lai.

Triều Tiên tuyên bố là "một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm", đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng phản đối mọi hình thức chiến tranh, bao gồm cả chiến tranh hạt nhân, cũng như ủng hộ một thế giới hòa bình nơi công lý quốc tế được thừa nhận.

Đạo luật được phê chuẩn trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc nhiều tháng qua nghi ngờ Triều Tiên có thể đang chuẩn bị nối lại việc thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đình trệ suốt 3 năm qua khi cả Washington và Bình Nhưỡng liên tục "lệch pha" nhau trong các điều kiện thương thảo. Mặt khác, căng thẳng tại khu vực đang leo thang khi Triều Tiên từ đầu năm liên tục thử tên lửa với tần suất cao kỷ lục, còn Mỹ và Hàn Quốc nối lại các cuộc tập trận chung quy mô rầm rộ.

Các bên cáo buộc lẫn nhau là có động thái khiêu khích, dẫn tới việc động thái mới nhất của Triều Tiên được giới quan sát đặc biệt đưa vào tầm ngắm.

VÌ SAO TRIỀU TIÊN RA TUYÊN BỐ VÀO THỜI ĐIỂM NÀY?

Vì sao Triều Tiên thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu? - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vụ thử tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 3 (Ảnh: KCNA).

Theo KCNA, Quốc hội Triều Tiên đã thông qua luật mới hôm 8/9 nhằm thay thế cho luật được ban hành năm 2013.

Đạo luật năm 2013 quy định rằng Triều Tiên có thể có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để ứng phó khi bị một quốc gia hạt nhân thù địch tấn công hoặc xâm phạm lãnh thổ. Thêm vào đó, luật này cũng nêu rõ, Triều Tiên có thể sử dụng loại vũ khí trên để thực hiện tấn công trả đũa.

Luật mới thông qua đã mở rộng phạm vi cho phép Triều Tiên thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ có thể kích hoạt loại vũ khí này nếu phát hiện ra nguy cơ sắp xảy ra một cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc bất kỳ hình thức nào nhằm vào ban lãnh đạo, cơ sở chỉ huy các lực lượng hạt nhân của nước này.

KCNA cho hay, luật mới cấm việc chuyển vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ hạt nhân cho các nước khác. Triều Tiên nói rằng, họ có mục tiêu nhằm làm giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân bằng cách ngăn chặn những tính toán sai lầm trong nhóm các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và việc sử dụng không chính xác loại khí tài này.

Cũng theo luật mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có toàn quyền quyết định liên quan tới vũ khí hạt nhân.

Vì sao Triều Tiên thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu? - 2

Chủ tịch Kim Jong-un thị sát một quả bom nhiệt hạch của Triều Tiên hồi năm 2017 (Ảnh: KCNA).

Theo chuyên gia Oh Joon tại Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc), luật mới của Triều Tiên dường như là thông điệp đáp trả cho động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhằm củng cố chiến lược "Chuỗi tiêu diệt" (Kill Chain).

"Chuỗi tiêu diệt" là khái niệm ám chỉ việc Hàn Quốc có thể thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào cơ sở hạ tầng hạt nhân và hệ thống chỉ huy của đối thủ nếu Seoul nghi ngờ rằng có một cuộc tấn công đang sắp xảy ra.

Chiến tranh Triều Tiên khép lại vào năm 1953 với hai miền bán đảo chỉ ký hiệp định ngừng bắn để đình chiến. Vì vậy, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật trong hàng chục năm qua. Đã có nhiều nỗ lực để hai bên đàm phán hướng tới một hiệp ước hòa bình từ nhiều đời tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Triều Tiên trước đó, nhưng tới nay, bầu không khí giữa Seoul và Bình Nhưỡng vẫn khá căng thẳng.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 5, Tổng thống Yoon đã nhấn mạnh về mục tiêu xây dựng hệ thống "Chuỗi tiêu diệt" (Kill Chain) để đối phó với kịch bản một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào nước này.

Theo chuyên gia Oh, Triều Tiên có thể không theo kịp Hàn Quốc và Mỹ trong việc chế tạo vũ khí thông thường do nhiều yếu tố, vì vậy, việc thông qua luật mới về tấn công hạt nhân phủ đầu "là cách duy nhất để Bình Nhưỡng đảm bảo họ có năng lực răn đe" trước các đối thủ.

Ngoài ra, ông Oh cho rằng, luật mới cũng thể hiện tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Kim Jong-un với nền chính trị Triều Tiên khi ông đã được trao toàn quyền ra quyết định về việc triển khai vũ khí hạt nhân của nước này.

TRIỂN VỌNG PHI HẠT NHÂN HÓA "VÀO NGÕ CỤT"

Vì sao Triều Tiên thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu? - 3

Cuối tháng 8, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất trong 4 năm qua (Ảnh: Reuters).

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, ông quan ngại sâu sắc về luật mới của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Mỹ một lần nữa tuyên bố không có quan điểm thù địch với Triều Tiên và sẵn sàng nối lại đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết.

Theo chuyên gia Oh, đây có thể là một tính toán chiến lược của Triều Tiên nhằm nâng cao vị thế của họ trong kịch bản có một cuộc thương lượng khác trong tương lai về phi hạt nhân hóa.

"Nhìn bề ngoài, luật mới này được hiểu là Triều Tiên sẽ từ chối đàm phán về tình trạng hạt nhân của nước này", ông Oh nhận định, cho rằng Bình Nhưỡng dường như đang muốn tạo ra đòn bẩy đủ mạnh cho đàm phán trong thời gian tới.

Theo ông Oh, Triều Tiên đã tuyên bố sẽ không nối lại đàm phán để không vi phạm điều luật do họ đề ra, vì vậy thông điệp là Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ phải sẵn sàng có sự nhượng bộ nhất định với Bình Nhưỡng để nối lại triển vọng về phi hạt nhân hóa.

"Các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa có thể được diễn ra trở lại, sau khi căng thẳng gia tăng dồn dập hoặc thậm chí là xảy ra một số tình huống khủng hoảng", ông Oh phỏng đoán.

Vì sao Triều Tiên thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu? - 4

Động thái mới nhất của Triều Tiên tác động tới nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa kéo dài nhiều năm qua. Trong ảnh: Ông Kim Jong-un bắt tay cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh năm 2018 ở Singapore (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, Tiến sĩ Nah Liang Tuang từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (Singapore), cho rằng luật mới của Triều Tiên đã đẩy các nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa trong thời gian qua "đi vào ngõ cụt", ít nhất trong tương lai gần.

Tiến sĩ Nah nhắc lại cam kết phi hạt nhân hóa của ông Kim hồi năm 2018 trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore. Theo chuyên gia trên, luật mới đã khiến mọi cam kết khi đó trở nên vô hiệu.

Ông Nah nhận định, nếu không có một sự thay đổi về mặt địa chính trị quốc tế, nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ khó khôi phục trở lại.

TÁC ĐỘNG TỚI AN NINH KHU VỰC

Vì sao Triều Tiên thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu? - 5

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: KCNA).

Tiến sĩ Nah dự đoán các nước láng giềng của Triều Tiên chưa có thay đổi nào trong chiến lược răn đe hạt nhân hoặc quân sự sau động thái của Bình Nhưỡng.

Theo ông Nah, luật mới giao toàn quyền về vũ khí hạt nhân cho Chủ tịch Kim Jong-un, nhưng điều này không có nghĩa là ông Kim sẽ sẵn sàng kích hoạt loại khí tài này bất cứ khi nào ông muốn hoặc thấy phù hợp.

Trên thực tế, các quốc gia láng giềng của Triều Tiên và Mỹ dường như đã tính đến sự khó đoán của Bình Nhưỡng khi vạch ra chiến lược và biện pháp phòng vệ trước đó.

Ví dụ ông Nah cho rằng, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang được bảo vệ dưới "chiếc ô hạt nhân" của đồng minh Mỹ, vì vậy, ông Kim sẽ phải cân nhắc kỹ càng trước khi kích hoạt vũ khí hạt nhân. Các quyết định liên quan tới loại khí tài này có thể tác động mạnh mẽ tới sự tồn vong của Triều Tiên.

Ngoài ra, ông Nah cho rằng, mối quan hệ leo thang căng thẳng giữa Mỹ và các hàng xóm Nga, Trung Quốc của Triều Tiên cũng có thể là một yếu tố tác động tới cục diện an ninh khu vực trong thời gian tới.

Chuyên gia trên vạch ra kịch bản, Nga và Trung Quốc có thể bớt chặt chẽ hơn trong việc thực thi lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên, trao cho Bình Nhưỡng thêm dư địa để theo đuổi con đường hạt nhân.

Khi được hỏi rằng, liệu động thái mới nhất của Triều Tiên có khiến Hàn Quốc tự tìm kiếm năng lực răn đe hạt nhân của riêng họ hay không, chuyên gia Oh và tiến sĩ Nah đều nhận định kịch bản này khó có khả năng xảy ra.

Tiến sĩ Nah dự đoán, Hàn Quốc đã ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và sẽ từ chối khởi động chương trình vũ khí hạt nhân để "ăn miếng trả miếng". Ông cũng cho rằng, việc Hàn Quốc tự phát triển khả năng răn đe hạt nhân có thể sẽ tác động tới sự ủng hộ của Mỹ, vậy nên Seoul sẽ không thực hiện nước đi này.

Trong khi đó, ông Oh cho rằng, kịch bản trên có thể xảy ra nếu Hàn Quốc nhận thấy "tình trạng bế tắc hiện tại kéo dài quá lâu mà không có bước đột phá".

Luật mới của Triều Tiên hợp pháp hóa việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một hình thức tự vệ và là "phương tiện cuối cùng" để đối phó với các cuộc tấn công và gây hấn từ bên ngoài.

Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là "lực lượng phòng thủ chủ lực bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tính mạng, sự an toàn của nhân dân trước sự đe dọa, xâm chiếm, tấn công của quân đội bên ngoài".

Triều Tiên nêu rõ rằng, việc sử dụng các lực lượng hạt nhân sẽ gửi thông điệp với các đối thủ rằng "cuộc đối đầu quân sự với Triều Tiên sẽ dẫn đến sự hủy hoại". Đây được xem là biện pháp răn đe của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng cũng khẳng định, họ sẽ không đe dọa tới các quốc gia không có vũ khí hạt nhân trừ khi các quốc gia trên bắt tay với đối thủ có vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi đó, chuyên gia Oh nhận định, luật mới của Triều Tiên giống một động thái răn đe đối thủ hơn là một kế hoạch quân sự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặc dù vậy, chuyên gia này thừa nhận, luật mới cho phép Triều Tiên có nhiều quyền hơn để quyết định kích hoạt vũ khí hạt nhân, và điều này ẩn chứa nhiều mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai.

Đức Hoàng

Theo Reuters, Channel News Asia, Conversation