Vì sao Triều Tiên đặt đảo Guam vào tầm ngắm?
(Dân trí) - Triều Tiên đang cân nhắc kế hoạch tấn công tên lửa vào các mục tiêu quân sự của Mỹ trên đảo Guam thay vì các mục tiêu quân sự khác ở bất cứ đâu của Washington.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên ngày 9/8 cho biết, Lực lượng chiến lược của nước này đang cân nhắc kế hoạch tấn công tên lửa vào khu vực đảo Guam của Mỹ.
Thông tin được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Triều Tiên phải hứng “lửa và cơn thịnh nộ chưa từng có” nếu tiếp tục đe dọa Mỹ.
Việc Triều Tiên đưa Guam vào tầm ngắm có lẽ không phải là điều quá mới mẻ với 160.000 cư dân ở “đảo thiên đường” này mặc dù đây là lần đầu tiên Triều Tiên chỉ đích danh Guam là mục tiêu cân nhắc tấn công, thay vì những lời cảnh báo chung chung trước đó.
“Bất cứ khi nào có đe dọa từ nửa kia thế giới, Guam luôn là mục tiêu. Nếu là cư dân Guam, điều đó có thể khiến họ bối rối đôi chút, nhưng không phải là điều gì quá bất thường”, Robert F. Underwood, Chủ tịch Đại học Guam vốn là cựu dân biểu đảng Cộng hòa, nói.
Nói cách khác, Triều Tiên có lý do khi đưa Guam vào tầm ngắm.
Địa thế chiến lược
Guam nằm cách Tokyo (Nhật Bản) và Manila (Philippines) 3 giờ bay; cách Hong Kong (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc) 4 giờ bay; cách Singapore và Bali (Indonesia) 5 giờ bay; cách Bangkok (Thái Lan), Sydney (Australia) 6 giờ bay. Nói cách khác, Guam chỉ cách tất cả các điểm nóng trong khu vực tối đa là 6 giờ bay.
Đây là nơi đồn trú của các căn cứ quân sự lớn của Mỹ, trong đó có căn cứ không quân Anderson, và các quân cảng cho phép đồn trú các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.
Tại Guam, Mỹ cũng triển khai một hệ thống phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Guam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi việc thiết lập căn cứ quân sự của Mỹ tại các quốc gia đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc vấp phải những trở ngại nhất định.
Hiện tại Mỹ duy trì khoảng 6.000 binh sĩ ở các căn cứ trên đảo Guam. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi Mỹ tìm cách cân đối lực lượng ở khu vực Thái Bình Dương trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc và chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.
Năm 2014, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work cho biết, Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng Hải quân và 60% lực lượng không quân ở khu vực này.
Guam có vị trí chiến lược với quân đội Mỹ, song mặt khác khu vực này gần Triều Tiên hơn bất cứ phần lục địa nào của Mỹ do vậy nó cũng dễ trở thành mục tiêu hơn.
Ngoài căn cứ quân sự ở Guam, nhiều căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. (Ảnh: Dailymail)
Guam trấn an người dân
Sau khi Triều Tiên đưa ra cảnh báo tấn công tên lửa, Thống đốc đảo Guam Eddie Calvo tìm cách trấn an người dân của mình rằng không có bất cứ mối đe dọa nào với vùng đảo này.
"Một cuộc tấn công hay đe dọa nhằm vào Guam cũng là đe dọa, tấn công nhằm vào nước Mỹ. Họ (giới chức Nhà Trắng) nói rằng sẽ bảo vệ nước Mỹ đến cùng", ông Calvo cho biết.
Cố vấn an ninh Guam George Charfauros cũng khẳng định mọi công tác phòng vệ đã sẵn sàng để đối phó các mối đe dọa.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên đe dọa tấn công đích danh đảo Guam. (Ảnh: AFP)
Về phía người dân, một tài xế xe buýt trên đảo Guam có tên Cecil Chugrad chia sẻ: "Tôi có chút lo lắng. Không biết điều này có xảy ra không. Nếu chỉ mình tôi thì không có gì lo ngại, tôi chỉ lo cho cậu con trai".
Todd Thompson, một luật sư địa phương, nói rằng cách đây vài năm anh không coi những lời đe dọa của Triều Tiên là điều đáng phải lưu tâm, nhưng bây giờ thì khác.
“Tôi phải thừa nhận rằng bây giờ tôi không thờ ơ được nữa. Điều tôi lo là mọi thứ ở Washington giờ đã thay đổi, ai biết được điều gì sẽ xảy ra”, anh nói. Todd và người anh em Mitch Thompson, dự định sẽ rời khỏi Guam trong vài tuần tới.
Trong khi đó, theo một công ty dịch vụ lữ hành trên đảo Guam, không có bất cứ xáo trộn nào về lịch trình bay đi và đến đảo này sau lời đe dọa của Triều Tiên.
Triều Tiên công bố video vụ phóng tên lửa liên lục địa thứ hai
Minh Phương
Tổng hợp