1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao Tổng thống Nga Putin thay đổi học thuyết hạt nhân vào thời điểm này?

Thanh Thành

(Dân trí) - Theo các nguồn tin, quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân "đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin tính toán từ sớm" và là phản ứng trước những hành động khiêu khích của Mỹ.

Vì sao Tổng thống Nga Putin thay đổi học thuyết hạt nhân vào thời điểm này? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).

"Việc cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga chắc chắn không phải là một bước đi tự phát", chuyên gia Dmitry Suslov, thành viên Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga và là phó giám đốc Kinh tế Thế giới và Chính trị Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow nhận định.

Theo ông, lẽ ra việc này đã phải diễn ra từ lâu và có liên quan đến thực tế là mức độ răn đe hạt nhân hiện tại đã được chứng minh là không đủ, đặc biệt là khi nó không ngăn được phương Tây tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại nước Nga.

Cho đến gần đây, mong muốn gây ra một thất bại chiến lược cho Nga được coi là ý tưởng điên rồ và bất khả thi, vì Moscow là một siêu cường hạt nhân. "Nhưng hóa ra điều này lại được một số người ở phương Tây coi trọng", ông nhấn mạnh.

Theo ông Suslov, đó là lý do tại sao mức độ răn đe hạt nhân hiện tại đã chứng minh là không đủ trước sự tham gia ngày càng tăng của khối do Mỹ lãnh đạo trong cuộc xung đột chống lại Moscow, vốn nay đang chuyển thành các cuộc thảo luận về các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga.

"Về vấn đề này, việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân và mở rộng số lượng các tình huống mà Moscow cho phép thực hiện bước đi này đã quá hạn từ lâu", ông nói thêm.

Theo ông, cũng giống như cách diễn đạt của phiên bản trước của học thuyết, trong đó nêu rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột phi hạt nhân chỉ có thể xảy ra trong trường hợp đe dọa đến sự tồn tại của Nga với tư cách là một quốc gia, hiện không còn phù hợp với thực tế toàn cầu nữa. Bây giờ ngưỡng này đã được hạ xuống và việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột phi hạt nhân là có thể trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của quốc gia.

Một số nhà phân tích cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Putin về điều chỉnh học thuyết hạt nhân có thể cho thấy Nga đang vẽ lại lằn ranh đỏ trong chính sách răn đe hạt nhân.

Ông Putin nhấn mạnh, Moscow có thể đáp trả hạt nhân với một cuộc tấn công thông thường xuyên biên giới lớn có sự tham gia của máy bay, tên lửa hoặc máy bay không người lái. Một cường quốc hạt nhân đối thủ hỗ trợ quốc gia khác tấn công Nga cũng sẽ bị coi là một bên tham gia cuộc tấn công đó. Đây là phản ứng đối với cuộc chiến ủy nhiệm đang diễn ra chống lại Nga và đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Nói đến thông báo công khai của Tổng thống Vladimir Putin về những thay đổi này, chuyên gia Suslov cho rằng "tất nhiên điều này liên quan đến cuộc thảo luận mà tôi đã đề cập trước đó về việc sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga".

Nga thực sự tin rằng điều này có nghĩa là một sự chuyển đổi sang chiến tranh trực tiếp và để truyền tải thông điệp này, Tổng thống đã quyết định công bố một số thay đổi và biểu hiện cụ thể về việc hạ thấp ngưỡng hạt nhân ngay tại đây và ngay bây giờ để cho phương Tây thấy rằng rủi ro đối với điều đó đang gia tăng.

"Và họ cần hiểu rằng việc tham gia vào một cuộc chiến tranh trực tiếp chống lại Nga sẽ tồi tệ hơn nhiều đối với họ so với việc Ukraine bị đánh bại trên chiến trường", chuyên gia này cảnh báo.

Đối với phản ứng của các bên không liên quan đến cuộc xung đột của Nga với phương Tây, ông Suslov nói rằng, Trung Quốc, mặc dù có lập trường công khai về việc không được phép sử dụng vũ khí hạt nhân, nhu cầu phi hạt nhân hóa và gần như cấm bom nguyên tử cũng hiểu được tình hình mà Nga đang gặp phải. 

Theo ông, điều này có nghĩa là Nga phải tăng cường về mặt chất lượng quan hệ với các quốc gia thân thiện về chính sách hạt nhân và thuyết phục các đối tác rằng việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm mục đích loại bỏ việc sử dụng chúng hoặc ít nhất là giảm nguy cơ xảy ra bước đi như vậy. "Tôi chắc chắn rằng phần lớn các quốc gia, phần lớn thế giới, sẽ hiểu điều này", ông nói.

Theo ông, những lời kêu gọi gần đây của Mỹ về việc nối lại đàm phán về hiệp ước START chính xác là để giúp họ dễ dàng tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Nga, và thậm chí là để giúp Washington dễ dàng tham gia vào một cuộc chiến tranh trực tiếp chống lại Moscow.

"Washington muốn loại bỏ vấn đề này khỏi bức tranh và giả vờ rằng không có mối liên hệ nào giữa vũ khí hạt nhân và cuộc chiến ủy nhiệm mà họ đang tiến hành. Để đạt được mục đích này, họ muốn kéo Nga vào các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân", ông nhấn mạnh thêm.

Và đó là lý do tại sao Nga đang từ chối các cuộc đàm phán này, bởi vì trước tiên Mỹ phải ngừng cố gắng gây ra thất bại chiến lược cho Moscow. Chỉ khi đó, Nga mới có thể quay lại đối thoại về sự ổn định chiến lược.

Điều này hoàn toàn đúng, bởi vì mối liên hệ giữa vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân luôn tồn tại. Kể từ lần đầu tiên Mỹ sử dụng bom nguyên tử vào năm 1945, mục tiêu của công cụ này là đảm bảo ưu thế trong chiến tranh thông thường và sau đó là chiến tranh hạt nhân. "Tôi nhắc lại, Mỹ muốn phá hủy logic này và tất nhiên, Nga không quan tâm điều đó".

Theo RT