1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao tòa Liên Hợp Quốc đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc?

(Dân trí) - Cho rằng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến diễn giải Luật Biển của Liên Hợp Quốc, và Philippines đã có những nỗ lực đối thoại cần thiết với Bắc Kinh nhưng không thể giải quyết vấn đề là những căn cứ để Tòa Trọng tài Thường trực đồng ý xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền với vùng biển xung quanh là trái với luật pháp quốc tế (Ảnh: CSIS)
Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền với vùng biển xung quanh là trái với luật pháp quốc tế (Ảnh: CSIS)

Theo tờ Financial Times, với tuyên bố của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chấp nhận phân xử đơn kiện của Philippines, Trung Quốc đã thua ngay hiệp đầu trong cuộc chiến pháp lý lớn này.

Hồi năm ngoái, Philippines đã đề nghị tòa án tại La Hay, Hà Lan tuyên bất hợp pháp “đường 9 đoạn” - những đường phân chia trên bản đồ của Trung Quốc mà nước này sử dụng, để tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, nhưng tuyên bố rõ ràng qua các kênh khác rằng, PCA không có thẩm quyền xét xử. Lí lẽ Bắc Kinh đưa ra đó là, tranh chấp giữa họ và Manila liên quan đến chủ quyền đối với các cấu trúc trên Biển Đông, và do vậy PCA - một cơ quan được thành lập để phân xử những tranh cãi liên quan đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) - không có thẩm quyền phân xử.

Dù vậy, PCA ngày 29/10 đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc, với khẳng định vụ việc phản ánh “tranh cãi giữa hai quốc gia liên quan đến việc diễn giải hoặc áp dụng Công ước” Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

PCA tuyên bố mình có thẩm quyền với 7 trong số 15 nội dung Philippines đã đệ trình, mà cụ thể là liệu bãi cạn Scarborough và những khu vực mực triều thấp như đá Vành Khăn có được phép coi là đảo, như lập luận của Trung Quốc không, AFP đưa tin.

Ngoài ra, trong số 10 kết luận được đưa ra, PCA cũng khẳng định “các bên đã thực hiện trao đổi quan điểm” về những tranh cãi, đúng theo quy định tại Điều 283 của UNCLOS.

Trước đó, Manila đưa vụ việc ra tòa sau khi kết luận rằng những nỗ lực của mình để ứng phó với lối hành xử quyết liệt của Trung Quốc trong khu vực đã được thực hiện đầy đủ, nhưng không đem lại kết quả. Bắc Kinh phản bác với tuyên bố Philippines chưa nỗ lực đàm phán.

PCA cũng khẳng định việc Trung Quốc không tham gia quá trình phân xử “không khiến tòa trọng tài mất đi quyền tài phán” trong vụ việc này.

Dư luận quốc tế hoan nghênh PCA

“Đây là một tin quan trọng và đáng hoan nghênh”, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ tuyên bố. “Nó cho thấy sự liên quan của luật pháp quốc tế trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, và rằng các tuyên bố chủ quyền không phải không thể phản bác”.

Quyết định của PCA được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Mỹ điều một chiến hạm tới Biển Đông để thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cáo buộc Washington “xâm nhập bất hợp pháp” vào vùng biển của mình sau khi tàu USS Lassen áp sát đá Xu Bi, một cấu trúc chìm dưới mặt nước mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.

Động thái trên được Mỹ khẳng định nhằm thực thi tự do đi lại, và khẳng định rằng Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền đối với các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia tuyên bố chủ quyền với vùng nước bao quanh các đảo tự nhiên, nhưng không cho phép việc này đối với các cấu trúc ngầm được tôn tạo lên khỏi mặt biển thông qua bồi đắp.

Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cũng hoan nghênh kết luận của PCA.

“Phán quyết hôm nay là một bước đi quan trọng nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm áp đặt những tuyên bố chủ quyền rộng lớn, mà theo tôi là đáng ngờ, tại Biển Đông”, ông McCain khẳng định.

Bonnie Glaser, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, tại Washington thì xem kết quả này là “một tổn thất lớn cho Trung Quốc, khi quan điểm được đưa ra đã bác bỏ hoàn toàn lập luận của Trung Quốc rằng… Philippines chưa nỗ lực đầy đủ để bàn thảo các vấn đề với Trung Quốc”.

PCA được thành lập tại Hà Lan năm 1899, để khuyến khích giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các quốc gia, tổ chức và cá nhân. Trung Quốc và Philippines là hai trong số 117 thành viên của tổ chức này.

Thanh Tùng

Tổng hợp

 

Vì sao tòa Liên Hợp Quốc đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc? - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm