1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Nhật Bản phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân?

(Dân trí) - Năng lượng hạt nhân cung cấp gần 30% nhu cầu năng lượng tại Nhật Bản mặc dù nước này là một trong các quốc gia thường xuyên hứng chịu các trận động đất nhất thế giới.

 
Vì sao Nhật Bản phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân?  - 1

Nhà máy hạt nhân Fukushima I của Nhật Bản.

Tại sao vậy? Nguyên nhân là do năng lượng hạt nhân ngày càng được xem như một cách để Nhật Bản, và các nước khác trong đó có Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch.

Đó cũng là lý do vì sao Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng hối thúc Mỹ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này trong gần 3 thập niên. Trong bài phát biểu liên bang năm 2010, ông Obama đã kêu gọi “một thế hệ mới các nhà máy điện hạt nhân sạch, an toàn hơn”.

Nhưng trước cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản, với 2 lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Fukushima I hứng chịu các vụ nổ kể từ trận động đất hôm thứ 6 tuần trước làm hỏng hệ thống làm mát tại nhà máy, một giải pháp dễ dàng cho nhu cầu về năng lượng của nhân loại là không đơn giản. Trong khi nhiên liệu hoá thạch gây ra những lo ngại về thay đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân lại làm tăng lo ngại về ô nhiễm phóng xạ.

Nhật Bản đã xem năng lượng hạt nhân là chìa khoá để cắt giảm 75% khí thải CO2 vào năm 2020. Người Nhật vẫn thận trọng về mục tiêu này, khi một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 54% người Nhật cảm thấy lo lắng về năng lượng hạt nhân.

Những rủi ro 
 
Shunsuke Kondo, chủ tịch Uỷ ban năng lượng nguyên tử Nhật Bản, từng nói rằng các nhà máy hạt nhân của nước này có thể chịu được các trận động đất “10.000 năm mới xảy ra một lần”.

Buồn thay, đó chính là điều đã xảy ra hôm 11/3 khi trận động đất mạnh 9 độ richter làm rung chuyển bờ biển phía bắc Nhật Bản và gây ra sóng thần hơn 10m đổ bộ vào các khu vực ven biển, gây mất điện tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và khiến các hệ thống làm mát bị trục trặc tại ít nhất 3 lò phản ứng.

Còn tại Mỹ, các nhà máy hạt nhân đã cung cấp khoảng 20% nhu cầu điện năng của nước này. Tổng thống Obama gần đây đã cam kết khoản vay 8 tỷ USD để xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1979, năm xảy ra vụ tai nạn hạt nhân ở Đảo Ba Dặm (Three Mile Island) tại Pennsylvania. Giới chức Mỹ cũng đề xuất xây 20 lò phản ứng mới trong 15-20 năm tới.

Theo Uỷ ban điều tiết hạt nhân, hiện Mỹ có 104 nhà máy hạt được cấp phép, với 8 nhà máy nằm ở các bang bờ biển phía tây trong vùng động đất là Washington, California và Arizona. 2 trong số các nhà máy tại California nằm đặc biệt gần các đường đứt gãy, nơi thường xảy ra các trận động đất.

Tờ New York Times ngày 14/3 cho biết hầu hết các nhà máy hạt nhân tại Mỹ cũng có chung vài hoặc tất cả các nguy cơ giống nhà máy Fukushima I của Nhật: các địa điểm nằm trên bờ biển hay xảy ra sóng thần hoặc gần các đường đứt gãy động đất, các nhà máy có tuổi đời cao và hệ thống điện dự phòng vốn phụ thuộc vào các máy phát điện diesel hoặc pin có thể bị trục trặc trong các hoàn cảnh tương tự.

An Bình
Theo Christain Science Monitor

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm