1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhật đóng cửa khẩn cấp một nhà máy hạt nhân

(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan hôm qua đã ra lệnh cho Công ty Điện lực Chubu đóng cửa ngay lập tức một nhà máy hạt nhân vì nhà máy này nằm gần một đường nứt địa chấn lớn.

 
Nhật đóng cửa khẩn cấp một nhà máy hạt nhân - 1
Lệnh đóng cửa nhà máy Hamaoka được đích thân Thủ tướng Kan đưa ra gần 2 tháng sau thảm họa tàn phá nhà máy điện Fukushima I

Lệnh đóng cửa được đưa ra đối vớì nhà máy điện hạt nhân Hamaoka, do Công ty Điện lực Chubu vận hành, nằm cách Tokyo 200km về phía tây nam.

Các nhà khoa học của chính phủ nói rằng họ chắc chắn tới 87% là trong vòng 30 năm tới sẽ xảy ra một trận động đất mạnh 8,0 độ richter ở khu vực này.

Lệnh trên được đích thân Thủ tướng Nhật Bản đưa ra gần 2 tháng sau trận động đất và sóng thần tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima I ở phía đông bắc Tokyo, gây nên một vụ khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng.

Ông Kan nói rằng ông đã ra lệnh cho các lò phản ứng tại nhà máy Hamaoka đóng cửa “vì quan ngại về sự an toàn của công chúng”, cho dù việc này càng khiến tình trạng thiếu điện trở nên nghiêm trọng hơn khi mùa Hè đang tới.

Tuy nhiên, ông Kan cũng khẳng định chính phủ sẽ hành động để bảo đảm rằng việc đóng cửa nhà máy Hamaoka không gây nên tình trạng thiếu hụt lớn nguồn điện cho khu vực này.

Trong khi đó, hôm qua, Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đang gặp sự cố đã bơm thêm nước vào lò phản ứng số 1 để làm nguội lò phản ứng một cách an toàn. Một người phát ngôn của công ty nói, công ty cố gắng ngăn không cho áp suất giảm xuống mức quá thấp, vì như thế có thể khiến không khí lọt vào bên trong lò phản ứng và gây nổ khí hyđrô.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trước đó lo ngại nước nhiễm phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I có thể lan tới bờ biển phía tây của Bắc Mỹ trong 1 hoặc 2 năm tới.

IAEA nói, theo phân tích số liệu do Nhật Bản cung cấp và các nguồn khác, nước nhiễm phóng xạ có thể lan qua Thái Bình Dương theo dòng hải lưu Kuroshio, và đến bờ biển Bắc Mỹ, sớm nhất là sang năm.

Cơ quan này cũng cho biết, có thể sẽ phát hiện lượng nhỏ chất cesium-134 và cesium-137 rò rỉ từ nhà máy ra khu vực Thái Bình Dương trong 2 hoặc 3 năm, nhưng ở mức rất thấp, không nguy hại đến sức khỏe con người.

Nhật Mai
Theo Kyodo, Xinhua