1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống François Hollande thăm Cuba:

Vì sao nguyên thủ phương Tây "nhanh chân" đến Cuba?

Không thể phủ nhận, Cuba là cơ hội kép đối với Pháp: một về kinh tế và một về ảnh hưởng chính trị.

Hôm 11/5/ 2015, Tổng thống François Hollande đã thăm chính thức Cuba và trở thành lãnh đạo đầu tiên của Pháp và phương Tây có mặt tại La Habana kể từ khi hòn đảo Cuba giành độc lập.

Sự kiện "lịch sử" này vừa lý giải động cơ chính trị, lại vừa thể hiện mục đích kinh tế trong bối cảnh Pháp vẫn chưa tìm ra lối thoát khỏi khủng hoảng.

Tuy là đồng minh của Mỹ, cũng từng tích cực ủng hộ Mỹ chống chế độ Fidel nhưng Pháp chưa bao giờ có ý định can thiệp vào công việc của Cuba, một nước nhỏ, chịu sự bao vây, cấm vận trong nhiều thập kỷ qua. Thậm chí quan điểm của Pháp đối với chế độ Cuba đã thay đổi đáng kể kể từ khi Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh kết thúc.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và chủ tịch Cuba Raul Castro. (Ảnh:
Tổng thống Pháp Francois Hollande và chủ tịch Cuba Raul Castro. (Ảnh: France24.com)

Không lâu sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã, năm 1993, Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc phản đối lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba.

Năm 1995, Pháp đón Fidel Castro, mở đường phát triển mới cho quan hệ song phương với các chuyến thăm viếng qua lại của quan chức cấp bộ hai phía.

Bởi vậy, có thể nói, chuyến thăm Cuba vừa rồi của François Hollande là sự tiếp diễn của chặng đường đã được xác lập. Dư luận Pháp coi đó là biểu tượng tiếp nối cho mục tiêu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước tại thời điểm mối quan hệ này phần nào bị tác động bởi các diễn biến ngoại giao Mỹ - Cuba gần đây và sắp tới.

Tại Cuba, ông Hollande và chủ tịch Raul Castro đã bàn về viễn cảnh phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước bất chấp sự chỉ trích của không ít thành viên các đảng cánh hữu Pháp về việc lơ là vấn đề nhân quyền tại hòn đảo này. Tuy nhiên, đa số thành viên cánh tả cho rằng đó là giọng điệu của các hội đoàn ủng hộ các nhóm ly khai hoặc chống Cuba hoặc của các tổ chức nhân quyền cực đoan.

Bởi thế, Pháp cần có cách tiếp cận khôn khéo hơn. Vì bài học từ thời kỳ tổng thống Nicolas Sarkozy cho thấy, việc đặt nặng vấn đề nhân quyền và các quyền tự do của công dân đã làm tổn hại nặng nề quan hệ giữa Pháp với Colombia và Mexico.

Sức ép tăng trưởng đang buộc tổng thống Pháp phải nương theo quan điểm chung của cánh tả rằng nhân quyền không được gây tổn hại cho tổng thể các mối quan hệ song phương và Cuba không phải là ngoại lệ.

Chính quyền Pháp đang cố gắng bảo vệ thị phần tại thị trường Cuba trước viễn cảnh các công ty hùng mạnh từ Bắc Mỹ sẽ tràn vào khi hòn đảo này “mở cửa”.

Có thể xem động thái mới của Pháp, với điểm nhấn là chuyến thăm La Habana của François Hollande là nằm trong một chiến lược tổng thể mang tên Caribe: sau Cuba là Haïti và trước Cuba là một hội nghị về biến đổi khí hậu với sự góp mặt của các lãnh đạo vùng Martinique.

Không thể phủ nhận, Cuba là cơ hội kép đối với Pháp: một về kinh tế và một về ảnh hưởng chính trị.

Tuy nhiên trao đổi kinh tế giữa Pháp với Cuba đến nay mới chỉ đủ để Pháp giữ vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng các đối tác kinh tế của Cuba và còn lâu mới có thể cạnh tranh với các đối thủ như Venezuela hay Trung Quốc. Pháp mới có khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động trên các danh nghĩa đối tác của các xí nghiệp nhà nước Cuba. Đứng thứ tư trong danh sách các nước có vốn đầu tư tại Cuba, trên thực tế Pháp chưa có dự án nào được coi là trọng điểm tại hòn đảo này.

Tuy chưa có vị trí hàng đầu trong đầu tư và trao đổi thương mại nhưng Pháp lại có vai trò ảnh hưởng đáng kể do nắm khoảng một phần ba khoản tiền 16 tỉ USD mà Cuba đang nợ Câu lạc bộ Paris.

Ở góc độ chính trị, Cuba giống như một "tàu sân bay" giữa Bắc, Nam và Trung Mỹ, đối diện với kênh đào Panama. Vị trí chiến lược này có thể cho phép Cuba trở thành một tâm điểm ưu tiên để phát triển thương mại đường biển và trung chuyển hàng không cho cả khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

Bên cạnh đó, Cuba luôn là thành viên có uy tín trong Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe gồm 33 thành viên (CELAC). Cuba đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc kiến tạo hòa bình ở Colombia.

Vì vậy, nếu xét cả lợi thế kinh tế lẫn địa chính trị, Cuba đang có những lợi thế mà Pháp đang cần.

Theo Tấn Phong
Vietnamnet

(* Bài viết có tham khảo một số tin, bài trên truyền thông Pháp).