1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Nga và Trung Quốc đều lo ngại nếu Anh rời EU?

(Dân trí) - Đa số người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, tuy nhiên đây không chỉ là vấn đề của riêng nước Anh hay khối EU mà nhiều nước khác trên thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định mang tính lịch sử này, trong đó có Nga và Trung Quốc.

Đa số người dân Anh đã bỏ phiếu đồng ý để Anh rời EU (Ảnh: AFP)
Đa số người dân Anh đã bỏ phiếu đồng ý để Anh rời EU (Ảnh: AFP)

Mặc dù đa số cử tri Anh đã bỏ phiếu chọn Brexit, cụm từ chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu, nhưng nước Anh vẫn chưa chính thức “chia tay” EU vì còn phải chờ Quốc hội phê duyệt cũng như hoàn thành lộ trình kéo dài ít nhất 2 năm theo quy định của Hiệp ước Lisbon. Mặc dù vậy, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ lo ngại trong trường hợp kịch bản này chính thức xảy ra, trong đó phải kể tới Trung Quốc và Nga.

Trung Quốc lo sợ nếu Anh rời EU

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron (Ảnh: National Interest)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron (Ảnh: National Interest)

Theo trang National Interest, trong trường hợp Anh chính thức rời EU, Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn cả về chính trị lẫn kinh tế. Trong chuyến công du tới Anh hồi tháng 10/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định “Trung Quốc hy vọng thấy một châu Âu luôn thịnh vượng và thống nhất”. Như vậy, thông điệp Bắc Kinh gửi tới London đã rõ ràng, đó là: Trung Quốc muốn Anh ở lại EU vì điều đó sẽ đảm bảo lợi ích cho Trung Quốc.

Theo nhà nghiên cứu Ivan Lidarev, có 3 lý do để Bắc Kinh lo ngại kịch bản Brexit xảy ra:

Thứ nhất, Trung Quốc mong muốn thắt chặt quan hệ với Anh để từ đó làm bàn đạp cho việc mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này tại châu Âu. Trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản ngày càng gia tăng áp lực tại châu Á, việc chuyển hướng sang châu Âu, mà trước hết là thông qua Anh, càng có ý nghĩa quan trọng đối với Bắc Kinh. Trung Quốc đang theo đuổi các cơ hội kinh tế tại khu vực này để từng bước thực hiện kế hoạch thiết lập lại “Con đường tơ lụa” trong thời đại mới. Do vậy, Trung Quốc muốn tăng cường hơn nữa quan hệ song phương với Anh, đưa Anh trở thành đối tác chính và ủng hộ Bắc Kinh tại Liên minh châu Âu.

Chiến lược này của chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu gặt hái được những thành công bước đầu. Chính phủ Anh đã vận động EU công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, từ đó cho phép giảm thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng như tránh được nguy cơ bị áp quy định bán phá giá. Bên cạnh đó, Anh cũng công khai ủng hộ các thỏa thuận tự do thương mại EU - Trung Quốc trị giá hàng tỷ USD vốn được Bắc Kinh xem là lợi thế rất lớn để mở rộng các dự án đầu tư và thương mại vào châu Âu. Nhìn từ góc độ của Bắc Kinh, đây là bước tiến quan trọng để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Lục địa Già.

Lý do thứ hai khiến Trung Quốc lo ngại việc Anh rời EU là vì Anh là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Trung Quốc xâm nhập vào thị trường châu Âu, vốn được biết đến là thị trường rất khó tính. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn đầu tư vào nền kinh tế tương đối tự do của Anh như một cách để tiến dần vào thị trường rộng lớn với hơn 500 triệu khách hàng tiềm năng như EU. Do vậy, nếu Anh chính thức rời EU, lẽ đương nhiên cánh cửa mở ra thị trường dồi dào nguồn tiêu thụ này sẽ bị đóng lại trước mắt Trung Quốc. Nhiều người cho rằng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ phải di dời trụ sở khỏi Anh nếu nước này không còn là một thành viên trong EU.

Lý do thứ ba khiến Trung Quốc muốn Anh ở lại EU là vì Anh được coi là nhân tố quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Anh là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, nằm trong EU, hơn nữa lại có múi giờ thuận tiện cho cả khu vực Đông Á, châu Âu và châu Mỹ, do vậy London sẽ trở thành bệ phóng hoàn hảo để Trung Quốc đưa đồng nhân dân tệ ra thế giới bên ngoài. Việc quốc tế hóa đồng nhân tệ có ý nghĩa quan trọng với Trung Quốc vì nó cho phép Trung Quốc trở thành một trong những nước có tiếng nói quan trọng trong nền tài chính thế giới và trở thành cường quốc thực sự,. Chiến lược “chọn mặt gửi vàng” của Trung Quốc có vẻ đã phát huy tác dụng khi London trở thành khu vực thứ hai trên thế giới, sau Hong Kong, công nhận và dùng đồng nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán.

Với 3 lý do chính nêu trên, kịch bản Anh rời khỏi EU sẽ là một tin không vui đối với Trung Quốc vì đã làm thay đổi những tính toán chiến lược trước đó của Bắc Kinh.

Nga bị thiệt hại nếu Anh rời EU

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Anh David Cameron (Ảnh: RIA Novosti)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Anh David Cameron (Ảnh: RIA Novosti)

Cho đến nay, giới chức và báo chí Nga đều không đề cập nhiều tới cuộc trưng cầu dân ý tại Anh nhưng điều đó không có nghĩa là Moscow không quan tâm tới những hệ quả mà Brexit mang lại cho nước này. Bà Andrey Sushentsov, Chủ tịch câu lạc bộ nghiên cứu chính trị Valdai, đồng thời là giáo sư của Viện Quan hệ Quốc tế Moscow nhận định rằng nếu Anh rời EU thì kinh tế Nga sẽ gặp tác hại nặng nề trên nhiều lĩnh vực.

Theo bà Sushentsov, nền kinh tế của Nga gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế của Anh và EU, do đó, kịch bản Brexit xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Moscow. Trong vài thập niên gần đây, EU đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nga trên thế giới. Năm 2015, EU chiếm 46% ngoại thương của Nga, tương đương 249 tỷ USD. Tính tới đầu năm 2014, Nga đã đầu tư vào Anh 9,1 tỷ USD, vào đảo Síp 19,7 tỷ USD và vào Hà Lan 19,1 tỷ USD. Trữ lượng vàng và ngoại tệ của Nga hiện nay ước tính lên tới 360 tỷ USD, phần lớn trong số này (80%) được ký thác ở các ngân hàng nước ngoài, trong đó khoảng 41,5% trữ lượng được tính theo trị giá đồng euro.

Một cơn chấn động về kinh tế bắt nguồn từ Brexit được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới Moscow. Ngoài Anh, Nga còn hai bạn hàng chính trong EU là Hà Lan và đảo Síp. Theo một số chuyên gia dự đoán, Brexit sẽ khiến quan hệ thương mại giữa Anh và EU gặp trục trặc, thậm chí có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên, từ đó dẫn tới hệ quả là số tiền Nga đầu tư tại 3 đối tác này đều sẽ tiêu tan.

Một câu hỏi nữa được đặt ra là, khi Anh rời EU thì khối dự trữ vàng và ngoại tệ của Anh ở châu Âu sẽ như thế nào? Theo bà Sushentsov, trước mắt London vẫn chưa thể đánh mất tính hấp dẫn của một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, tuy nhiên về lâu dài Nga vẫn phải có những phương án dự phòng tại Anh. Theo đó, các tập đoàn kinh doanh lớn của Nga bắt đầu bán bớt cổ phần trên sàn giao dịch London. Trong những năm gần đây, các tập đoàn này chuyển xu hướng sang các thị trường châu Á như Singapore, Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc).

Ngoài vấn đề kinh tế, Brexit được cho là cũng sẽ ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Moscow. Bà Sushentsov cho rằng, Brexit sẽ ảnh hưởng tới dự án Liên minh Kinh tế Á - Âu của Tổng thống Putin khi Anh không còn là thành viên của EU và trở thành một đối tác độc lập trên sân chơi quốc tế. Ngoài ra, Brexit cũng sẽ tạo ra một thế cân bằng mới tại châu Âu với vai trò nổi trội của Đức, điều này có thể mang lại viễn cảnh tốt đẹp cho Nga hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Bên cạnh đó, để duy trì ảnh hưởng, London có thể chuyển hướng và thắt chặt hơn quan hệ với Mỹ. Nga có thể lo ngại rằng liên minh mới do Mỹ dẫn đầu với sự tham gia tích cực của Anh cùng các nước Đông Âu sẽ gây bất lợi cho Nga, đặc biệt tại các khu vực sát sườn Nga.

Như vậy, tương tự như với Trung Quốc, kịch bản Brexit xảy ra sẽ khiến Nga gặp nhiều bất lợi và phải định hướng lại chính sách của Moscow đối với Anh cũng như với Liên minh châu Âu.

Thành Đạt

Tổng hợp