1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao Nga dồn dập không kích Ukraine?

Minh Phương

(Dân trí) - Nga đang tìm cách làm tiêu hao nguồn lực phòng không của Ukraine trong bối cảnh nguồn viện trợ cho Kiev chậm lại và phương Tây bắt đầu bàn phương án tìm lối thoát cho cuộc chiến Ukraine qua đàm phán.

Vì sao Nga dồn dập không kích Ukraine? - 1

Nga tập kích quy mô lớn vào Ukraine hôm 29/12/2023 (Ảnh: AFP).

Gần một tuần trở lại đây, Nga liên tục tập kích quy mô lớn vào Ukraine. Đây đều là những cuộc không kích quy mô lớn nhất của Moscow kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Người Ukraine đón năm mới 2024 khi hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái của Nga dội xuống.

Đợt tập kích này bắt đầu từ ngày 29/12/2023 và đã khiến hàng chục người ở Ukraine thiệt mạng. Đó là những chỉ báo nghiệt ngã cho Ukraine trong năm 2024 khi Moscow phát tín hiệu đủ nguồn lực cho một cuộc chiến khốc liệt và kéo dài ở Ukraine.

Giới phân tích cho rằng, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch tập kích này dường như là khiến Ukraine kiệt quệ nguồn lực phòng không như tên lửa NASAMS, Patriot được phương Tây viện trợ. Đáng chú ý, Moscow triển khai chiến thuật này vào thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu cắt giảm viện trợ quân sự cho Kiev, dẫn đến một kịch bản là Ukraine có thể sẽ không còn lá chắn nào trong thời gian tới.

Những cuộc tập kích quy mô lớn vài ngày qua cho thấy điều Ukraine lo ngại nhiều tháng qua đã trở thành hiện thực: Nga tích trữ tên lửa để tung đòn tấn công mạnh vào mùa đông.

Theo giới quan sát, Nga đã đẩy mạnh hoạt động công nghiệp quốc phòng, tăng nguồn dự trữ nhiều tháng qua để tung ra các đòn tấn công quy mô lớn vào Ukraine ở thời điểm nguồn viện trợ từ phương Tây cho Kiev chậm lại.

"Đơn giản, Nga đã chuyển sang một nền kinh tế thời chiến", Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh, bình luận.

Giới tình báo phương Tây từng dự đoán quân đội Nga sẽ sớm kiệt quệ và buộc phải dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, thực tế, Moscow đã xoay xở, huy động nguồn lực công nghiệp quốc phòng, sản xuất với quy mô lớn hơn nhiều so với trước xung đột.

Theo ông Bronk, Nga đã tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, khôi phục một số năng lực tác chiến. Hiện giờ, mỗi tháng Nga sản xuất khoảng 100 tên lửa tầm xa để sử dụng ở Ukraine, tăng từ 40 tên lửa trước đó.

Moscow đã tăng cường sản xuất đạn pháo, đồng thời tìm thêm nguồn cung từ một số quốc gia khác. Theo một số nhà phân tích, đạn pháo có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, thậm chí được coi như "vua chiến trường, ngay cả khi Moscow tập trung vào vũ khí hiện đại, công nghệ cao.

"Nga có lợi thế pháo binh ba chọi một ở tiền tuyến, nếu không muốn nói là nhiều hơn nữa", chuyên gia tại Trung tâm Hòa bình Quốc tế Carnegie (Mỹ) nhận định.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cũng cho rằng lực lượng Ukraine đang ở thế bất lợi ở hầu hết chiến tuyến.

Mặc dù vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn tin tưởng vào cuộc chiến của Kiev. Ông cho biết, quân đội Ukraine đã phá vỡ vòng phong tỏa của Nga ở Biển Đen trong năm 2023. Theo Bộ Quốc phòng Anh, trong quá trình đó, Ukraine đã phá hủy 20% Hạm đội Biển Đen của Moscow.

Ông Zelensky cho biết, trọng tâm của Ukraine trong năm 2024 là tiếp tục các cuộc tấn công vào bán đảo Crimea, cô lập lực lượng Nga ở đây và ở miền Nam Ukraine.

Tuy nhiên, theo ông Kofman, trước mắt, Ukraine nên tập trung vào củng cố phòng thủ trong mùa đông, sau đó có thể tính đến huy động thêm quân.

Giới quan sát cũng chỉ ra, khi Nga tiếp tục tấn công Ukraine quy mô lớn, triển vọng hòa đàm gần như bằng không bất chấp việc Moscow nhiều lần tuyên bố để ngỏ ngừng bắn.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm