1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Mỹ vẫn im lặng sau tối hậu thư 48 giờ cho Syria?

(Dân trí) - Hơn 48 giờ trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ quyết định đáp trả Syria trong vòng 24-48h tới, Mỹ vẫn chưa có động thái nào đáng kể.


Tàu khu trục Mỹ USS Ross phóng tên lửa Tomahawk trong đợt không kích Syria tháng 4/2017. (Ảnh: Reuters)

Tàu khu trục Mỹ USS Ross phóng tên lửa Tomahawk trong đợt không kích Syria tháng 4/2017. (Ảnh: Reuters)

Cách đây 1 năm, Tổng thống Trump đã hạ lệnh tấn công tên lửa vào căn cứ không quân Syria. Quyết định đưa ra ngay trên chuyên cơ Air Force One và khoảng 3 ngày kể từ khi ông Trump được thông báo về cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Một năm sau, ông chủ Nhà Trắng một lần nữa cảnh báo sẽ đáp trả Syria trong vòng 24-48h. Thời hạn 48h đã qua và thậm chí ông Trump ngày 11/4 tuyên bố Syria sắp phải hứng tên lửa “mới và thông minh”, Washington đến nay vẫn chưa có động tĩnh đáng kể nào. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết: "Chúng tôi vẫn có nhiều phương án và tất cả các phương án đều được để ngỏ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có quyết định cuối cùng về điều này".

Sự im lặng này làm dấy lên câu hỏi liệu Mỹ có rút lại quyết định đáp trả Syria hay không, hoặc khi nào Mỹ hành động. Mạng tin BuzzFeed đã đưa ra 3 lý do chính cho sự trì hoãn này.

Giải pháp quân sự hoặc quá nhẹ hoặc quá mạnh

Năm ngoái, Mỹ đã nã 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ Không quân Shayrat của Syria. Washington nói rằng, cuộc không kích đã phá hủy 20% máy bay chiến đấu của Syria cũng như căn cứ quân sự Shayrat.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, các máy bay chiến đấu Syria được cho là vẫn cất cánh từ đây, và tròn 1 năm sau quân đội Syria tiếp tục bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.

Đó là lý do giới chuyên gia cho rằng, lần này Mỹ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn và có thể sẽ tấn công nhiều hơn một căn cứ quân sự của Syria. Mặt khác, Mỹ cũng cân nhắc để tránh lún sâu vào chiến sự ở Syria, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump hôm 29/3 tuyên bố Mỹ sẽ sớm rút quân khỏi đây.

Thảo luận với đồng minh


Anh dường như vẫn còn do dự tham gia không kích Syria. (Ảnh minh họa: Reuters)

Anh dường như vẫn còn do dự tham gia không kích Syria. (Ảnh minh họa: Reuters)

Guardian dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết, những ngày qua đã có các cuộc trao đổi giữa Mỹ, Pháp và Anh về phương án phối hợp đáp trả Syria.

Anh được cho là vẫn còn do dự. Báo The Times dẫn lời Thủ tướng Anh Theresa May: "Anh ủng hộ hành động quốc tế đáp trả vụ tấn công và sẽ phối hợp với các đồng minh tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nhưng một cuộc không kích chỉ được tiến hành khi có bằng chứng cho thấy Syria đã sử dụng vũ khí hóa học". Dự kiến, Thủ tướng Anh sẽ triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp hôm nay để thảo luận về vấn đề này.

Về phía Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron hôm 10/4 cho biết: “Quyết định của chúng tôi sẽ là tấn công vào năng lực vũ khí hóa học của Syria”.

Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh được cho là vẫn đang đánh giá bằng chứng quân đội Syria đứng sau vụ tấn công hóa học trước khi đưa ra bất cứ quyết định tấn công nào.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết ngày 11/4: “Mỹ vẫn đang đánh giá thông tin tình báo về vụ tấn công hóa học ở Syria. Chúng tôi và các đồng minh vẫn đang làm việc này”.

Lo ngại lớn nhất của Lầu Năm Góc


Căn cứ quân sự Hmeimim ở Syria (Ảnh: Sputnik)

Căn cứ quân sự Hmeimim ở Syria (Ảnh: Sputnik)

Những năm qua Lầu Năm Góc đã hết sức nỗ lực để tránh xung đột trực tiếp với Nga ở Syria, do vậy thường sử dụng đường dây giảm căng thẳng để trao đổi giữa quân đội hai nước. Mỹ đã phải thông báo trước cho Nga vụ tấn công Syria hồi tháng 4 năm ngoái.

Lần này, muốn phá hủy năng lực vũ khí hóa học của Syria đồng nghĩa với việc phải nhằm mục tiêu vào hệ thống điều hành, các cơ sở liên lạc, hạ tầng và nhân sự liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của Syria. Tuy nhiên, một cuộc tấn công như vậy có thể sẽ “động chạm” đến Nga và Iran.

“Các hạ tầng cho vũ khí hóa học của Syria như Pháp đề cập quá gần nơi mà lực lượng của Nga hiện diện dày đặc hơn. Trong khi đó, gây thiệt hại về người và vật chất của Nga là điều mà Mỹ muốn tránh bằng mọi giá”, Emily Hawthorne, một chuyên gia phân tích của công ty tình báo toàn cầu Stratfor, nhận định.

Minh Phương

Theo BuzzFeed, USA Today