Vì sao Mỹ gần như bất lực trước kho vũ khí của Triều Tiên?
(Dân trí) - Mặc dù sở hữu nhiều khí tài quân sự hiện đại, song quân đội Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí gần như bất lực trong việc xóa sổ các kho vũ khí của Triều Tiên.
Nếu tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng xấu đi, trong khi các biện pháp trừng phạt kinh tế và gây sức ép về ngoại giao đều không hiệu quả, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ biến những tuyên bố cứng rắn trước đây của ông đối với Bình Nhưỡng thành hiện thực, đó là “trút hỏa lực và thịnh nộ” vào quốc gia Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, ngay cả khi Tổng thống Trump lựa chọn phương án tấn công quân sự phủ đầu Triều Tiên thì cũng không có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ đủ khả năng để đánh bại năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng trước khi chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un tấn công trả đũa Washington. Trong trường hợp này, Washington sẽ phải tìm cách để vô hiệu hóa kho vũ khí của Triều Tiên bằng năng lực quân sự hiện có của quân đội Mỹ.
Theo chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar, Mỹ có thể tiến hành một cuộc tấn công thông thường, trong đó sử dụng số lượng lớn các tên lửa hành trình để xóa sổ nhiều cơ sở hạt nhân cố định của Triều Tiên. Để làm được điều này, tình báo Mỹ phải đủ khả năng để xác định xem vị trí của những cơ sở hạt nhân nằm ở đâu trên lãnh thổ Triều Tiên.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tìm và hủy diệt các bệ phóng tên lửa bí mật cũng như các cơ sở hạt nhân kiên cố được đặt sâu dưới lòng đất của Triều Tiên. Ngay cả trong trường hợp Không quân Mỹ triển khai các máy bay ném bom như Northrop Grumman B-2A Spirit với khả năng mang cặp bom GBU-57 trọng lượng 14 tấn, các vũ khí này chưa chắc đã đủ khả năng để phá hủy các cơ sở kiên cố được đặt sâu dưới lòng đất ở Triều Tiên.
Siêu bom GBU-57 được cho là có thể xuyên qua các khối bê tông vững chãi với độ dày lên tới 60 m và là loại bom chuyên dùng để phá boongke. Dù vậy, một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra là các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên được chôn sâu hơn 60 m và ở khoảng cách này siêu bom của Mỹ cũng chưa chắc đã đủ mạnh để phá hủy chúng. Hơn nữa, Mỹ hiện mới chỉ có sản xuất 20 bom GBU-57, trong khi số lượng cơ sở hạt nhân của Triều Tiên lớn hơn nhiều.
Tấn công hạt nhân
Ngoài hình thức tấn công thông thường, Mỹ có thể lựa chọn phương án khác để xóa sổ các cơ sở hạt nhân Triều Tiên là tấn công hạt nhân. Mỹ có nhiều vũ khí hạt nhân trong kho, song hầu hết được thiết kế để đối phó với Liên Xô trước đây. Xét tới vị trí địa lý của bán đảo Triều Tiên, tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III của Mỹ dường như không hiệu quả vì đường bay của tên lửa này sẽ phải vòng qua Nga và Trung Quốc trước khi bắn tới mục tiêu ở Triều Tiên. Và một khi tên lửa Mỹ bay qua lãnh thổ 2 quốc gia này, nguy cơ đối đầu hạt nhân sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.
Nếu Mỹ chọn cách phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hoạt động ở Thái Bình Dương về phía Triều Tiên, thì cách này có thể sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc vì nước này nằm sát cạnh Triều Tiên. Washington sẽ khó thuyết phục Bắc Kinh rằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của nước này không bay về phía lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn một cách nữa để đưa vũ khí hạt nhân tới Triều Tiên, đó là máy bay ném bom B-2. Để làm được điều này, máy bay B-2 sẽ phải xâm nhập vào không phận Triều Tiên, xác định các mục tiêu hạt nhân và thả bom nhiệt hạch B61 xuống các mục tiêu này. Mặc dù vậy, vũ khí hạt nhân cũng không phải loại vũ khí hiệu quả để tấn công các mục tiêu được đặt sâu dưới lòng đất.
“Ngay cả vũ khí hạt nhân cũng không thực sự hiệu quả trong việc phá hủy các boongke được đặt tách biệt cách xa nhau và nằm ở vị trí sâu nhất. Chẳng hạn, một đầu đạn B83 với sức công phá 1,2 megaton, loại vũ khí có sức công phá mạnh nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, cũng chỉ có thể nghiền nát các boongke ngầm ở độ sâu khoảng hơn 300 m. Còn đối với những boongke được đặt sâu hơn và phải sử dụng tới các máy móc đào hầm hiện đại mới có thể xây dựng được chúng, một cuộc tấn công hạt nhân về cơ bản cũng trở nên vô nghĩa”, báo cáo do Hiệp hội các nhà khoa học quan tâm (UCS) công bố năm 2005 cho biết.
Theo chuyên gia Dave Majumdar, ngay cả khi Mỹ thành công trong việc phá hủy các cơ sở hạt nhân cố định của Triều Tiên, thì Washington vẫn phải đối mặt với một bài toán khó khác, đó là các bệ phóng tên lửa di động của Bình Nhưỡng.
Trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, Mỹ đã gặp nhiều khó khăn và tiêu tốn không ít thời gian vào việc định vị và phá hủy các bệ phóng tên lửa đạn đạo di động trên địa hình sa mạc bằng phẳng và trống trải. Điều này sẽ càng khó khăn hơn đối với một khu vực địa hình đồi núi cực kỳ hiểm trở như Triều Tiên. Như vậy, ngay trước khi Mỹ thành công trong việc dò tìm và tấn công các bệ phóng tên lửa di động của Triều Tiên thì Bình Nhưỡng đã kịp tiến hành một cuộc tấn công đáp trả khốc liệt.
Nếu tấn công phủ đầu Triều Tiên, Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với các hệ quả nữa như sự căng thẳng với Trung Quốc và Nga, hay phá vỡ quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, theo nhận định của chuyên gia Majumdar, Mỹ tốt hơn hết chỉ nên duy trì sự răn đe, thay vì tấn công quân sự Triều Tiên.
Thành Đạt
Theo National Interest