1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao giám đốc FBI không thề trung thành với Tổng thống Trump?

(Dân trí) - Việc cựu Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey từ chối cam kết trung thành với Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nguyên nhân khiến ông bất ngờ mất chức trong tuần này.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu Giám đốc FBI James Comey. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu Giám đốc FBI James Comey. (Ảnh: Getty)

Không thể cam kết trung thành

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/5 bất ngờ ra quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey với lý do ông Comey đã sai sót trong quá trình xử lý cuộc điều tra liên quan đến bê bối email của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Tuy nhiên New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, ông Comey cho rằng nguyên nhân chính khiến ông bị thôi việc có thể bởi ông từng từ chối cam kết trung thành với Tổng thống Trump.

Đó là tại bữa tối giữa ông Trump và ông Comey tại Nhà Trắng khoảng 1 tuần sau khi ông nhậm chức hồi tháng 1. Ông Trump được cho là đã hỏi ông Comey có thể trung thành với ông hay không. Tuy nhiên, ông Comey đã từ chối cam kết trung thành, mà chỉ cam kết sẽ “trung thực” với Tổng thống.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi, giám đốc và các nhân viên FBI nói chung chỉ được phép cam kết trung thành với Hiến pháp, mà không được phép cam kết trung thành với bất cứ cá nhân nào kể cả tổng thống. Hay nói cách khác, FBI là tổ chức làm việc độc lập để đảm bảo tính công bằng.

Tôn chỉ của FBI nêu rõ: “Điều quan trọng là chúng tôi tuyên thệ để hỗ trợ và bảo vệ Hiến pháp, chứ không phải một nhà lãnh đạo, một tổ chức hay thực thể nào. Lý do đơn giản là Hiến pháp dựa trên những nguyên tắc bất di bất dịch của chính phủ nhằm đảm bảo sự cân bằng, ổn định và tính thống nhất xuyên suốt. Một chính quyền dựa trên các cá nhân, những người thiếu nhất quán, dễ mắc sai lầm và có xu hướng phạm lỗi, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng chuyên quyền hoặc vô chính phủ.”.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump đã bác bỏ những thông tin về nội dung trò chuyện giữa ông Trump và cựu Giám đốc FBI Comey. “Chúng tôi không tin đây là câu chuyện đúng sự thật… Tổng thống sẽ không bao giờ đòi hỏi sự trung thành với cá nhân ông, chỉ cần sự trung thành với quốc gia với người dân”, Sarah Huckabee Sanders, phó thư ký báo chí Nhà Trắng, nói.

Ai sẽ làm Giám đốc FBI tiếp theo?


Ông Mike Rogers. (Ảnh: EPA)

Ông Mike Rogers. (Ảnh: EPA)

Ngay sau khi sa thải ông Comey, Tổng thống Trump đã chỉ định Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe làm quyền Giám đốc FBI. Ông Trump hôm qua cũng cho biết sẽ sớm công bố giám đốc mới của FBI vào cuối tuần tới trước chuyến công du nước ngoài của ông.

Được biết, Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt đầu phỏng vấn các ứng viên tiềm năng từ hôm qua 13/5.

Truyền thông Mỹ đã liệt ra danh sách những gương mặt sáng giá có thể trở thành người kế nhiệm ông Comey. Trong số này, ngoài quyền Giám đốc Andrew McCabe còn có luật sư quốc phòng Alice Fisher, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn, Thẩm phán New York Michael Garcia.

Trong khi đó, Politico cho biết, Hiệp hội các đặc vụ FBI hôm qua đã ra tuyên bố chung ủng hộ đặc vụ Mike Rogers thay thế ông Comey. Thomas F. O’Connor, chủ tịch hiệp hội này, nói: "Giám đốc FBI tiếp theo phải là người hiểu được vai trò quan trọng của FBI. Ông Mike Rogers với lý lịch là một đặc vụ, một cựu thành viên Quốc hội và từng tham gia quân đội, giúp ông được coi là người có khả năng giải quyết hàng loạt thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt để đảm bảo FBI tiếp tục là cơ quan hành pháp hàng đầu thế giới".

Hiệp hội các đặc vụ FBI có hơn 13.000 thành viên gồm cả những đặc vụ đã về hưu và đặc vụ đương chức. Năm 2014, Hiệp hội này cũng từng ủng hộ ông Rogers cho chức vụ giám đốc FBI, tuy nhiên, thời điểm đó Tổng thống Barack Obaam đã chọn cựu Thứ trưởng Tư pháp James Comey.

Minh Phương

Theo Politico, MLive