1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Đức chần chừ cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine?

Thanh Thành

(Dân trí) - Chính phủ Đức đã nêu rõ một số lý do khiến họ trì hoãn việc gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz đối mặt làn sóng chỉ trích.

Vì sao Đức chần chừ cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine? - 1

Pháo phòng không tự hành Gepard bắn tên lửa Stinger của Đức mà Ukraine đang rất cần (Ảnh: DW).

Khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang diễn ra khốc liệt, Mỹ và các đồng minh NATO vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev, động thái làm dấy lên lo ngại về nguy cơ vượt "lằn ranh đỏ" của Moscow và đe dọa khiến xung đột lan rộng.

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng, tất cả những động thái trên chỉ làm cho xung đột kéo dài thêm, còn những chuyến hàng vận chuyển vũ khí trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của Moscow.

Khi giao tranh mới nổ ra, quân đội Ukraine chủ yếu sử dụng vũ khí, đạn dược phù hợp với tiêu chuẩn của Nga nhưng dần cạn kiệt sau vài tháng, đặc biệt là pháo và tên lửa. Quân Ukraine ngày càng phụ thuộc vào các đồng minh phương Tây với vũ khí tiêu chuẩn của NATO.

Theo các chuyên gia, vũ khí phương Tây phần nào cũng giúp Kiev có khả năng đối phó với quân Nga. Hiện tại, nhiều chính phủ phương Tây đang huy động các nhà sản xuất vũ khí tăng cường sản xuất, bổ sung kho dự trữ vốn giảm đi nhiều sau khi viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, để tiếp tục viện trợ cho Kiev.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/9 cũng công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 600 triệu USD cho quân đội Ukraine. Gói vũ khí mới của Mỹ dự kiến sẽ cung cấp đạn dược cho quân đội Ukraine, trong đó có đạn cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Theo hai nguồn tin giấu tên, gói viện trợ mới của Mỹ cũng bao gồm đạn dược cho các lựu pháo của Ukraine.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tuyên bố nước này sẽ cung cấp một gói hỗ trợ quân sự trị giá 50 triệu Euro cho quân đội Ukraine. Theo đó, Thụy Điển sẽ cung cấp cho Ukraine một lượng lớn đạn pháo để tiếp sức cho chiến dịch phản công. Thụy Điển cũng để ngỏ khả năng cung cấp cho Ukraine hệ thống pháo tự hành uy lực Archer cùng tổ hợp phòng không RBS-70.

Trước đó, Cộng hòa Séc đã chuyển đến Ukraine 72 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. Quyết định này được đưa ra sau khi Đức đồng ý hỗ trợ Cộng hòa Séc thay thế số xe tăng T-72 này bằng các xe tăng Leopard hiện đại hơn.

Trái với các nước, Đức lại chần chừ trong việc chuyển giao vũ khí, nhất là vũ khí hạng nặng, nhằm giúp Kiev đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

Đức hôm 15/9 thông báo sẽ viện trợ Ukraine các hệ thống rocket phóng loạt và thiết giáp chở quân Dingo trong bối cảnh Kiev đang tăng tốc chiến dịch phản công Nga trên toàn tuyến.  

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng, các khí tài mà Đức cam kết chuyển cho Ukraine "không phải những thứ mà chúng tôi cần nhất". Theo ông, quyết định của Đức viện trợ các vũ khí trên là "bí ẩn" và có một "bức tường vũ khí" ở Berlin mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz cần phải phá bỏ.

Các lý do của Đức

Nhưng vì sao Đức lại hành động như vậy? Và chính phủ Đức đã nêu ra một số lý do khiến nước này không thể gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine.

Thứ nhất, Thủ tướng Olaf Scholz đã nói kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra là "Đức thuận theo đồng minh".

Ông nói rằng, Berlin đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác NATO và Liên minh châu Âu (EU). "Hãy nhìn những gì các đồng minh của chúng ta đang làm, ví dụ như các bạn bè của chúng ta trong G7", ông nói. Thủ tướng Đức chỉ ra rằng các nước như Canada, Anh và Mỹ đang cung cấp cùng loại vũ khí mà Đức đã gửi cho Ukraine.

Thứ hai, theo Giáo sư Carlo Masala, một chuyên gia quốc phòng và an ninh tại Đại học Bundeswehr Munich, Thủ tướng Scholz đang một mặt đưa ra thông điệp tới người Nga khi nói rằng Đức vẫn đang kìm hãm việc hỗ trợ vũ khí hạng nặng. Mặt khác, đó cũng là một tín hiệu cho dư luận trong nước và đảng trung tả Dân chủ Xã hội của ông.

"Đây là một vấn đề hiện đang được tranh luận giữa các nhóm trong đảng Dân chủ Xã hội và ông ấy (Thủ tướng Scholz) cần họ tại quốc hội. Ông ấy cần tất cả những người không muốn giao vũ khí hạng nặng vì họ nghĩ rằng điều này sẽ làm leo thang xung đột", chuyên gia nói với DW.

Theo Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, vũ khí hạng nặng đề cập đến tất cả các loại xe tăng, xe bọc thép và tất cả các loại pháo 100mm trở lên. Máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu cũng được xếp vào loại vũ khí hạng nặng.

Đức đã gửi nhiều vũ khí cho Ukraine để đối phó Nga trong gần 7 tháng qua, nhưng tới nay vẫn không đồng ý chuyển xe tăng Leopard và thiết giáp Marder mặc dù Kiev đã nhiều lần đề nghị được nhận các khí tài này.

Đức cho biết, họ sẽ không đi một mình một đường trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. Berlin chỉ ra rằng, chưa có bất cứ nước NATO nào chuyển xe tăng do phương Tây sản xuất tới Ukraine.

Thứ ba, Đức nói không thể gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine vì sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ quốc gia và NATO.

"Ở đây, bây giờ chúng tôi phải nhận ra rằng các lựa chọn mà chúng tôi có đang đạt đến giới hạn", Thủ tướng Scholz từng tuyên bố.

Lực lượng vũ trang Đức cho biết, họ cần vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh Marder hoặc lựu pháo tự hành 2000, một loại pháo hạng nặng, để đảm bảo các nghĩa vụ phòng thủ quốc gia và liên minh.

"Để đảm bảo khả năng hoạt động của quân đội, chúng tôi cần các hệ thống vũ khí hạng nặng", Phó Tổng Thanh tra Markus Laubenthal nói với đài truyền hình công cộng ZDF. Ông cho biết xe tăng Marder là cần thiết cho các cam kết phòng thủ của quốc gia và NATO.

Marder là một hệ thống chiến đấu bao gồm tên lửa dẫn đường, vũ khí cầm tay và đạn dược và cần được đào tạo chuyên sâu.

Phương tiện bộ binh này vận chuyển binh lính tham chiến, hỗ trợ hỏa lực và yểm trợ để binh lính có thể khai hỏa, khiến chúng trở thành một hệ thống vũ khí đặc biệt linh hoạt. Marder có đủ chỗ cho 6-7 xạ thủ, một súng máy 20 ly và tên lửa dẫn đường Milan chống lại các mục tiêu mặt đất và trên không.

Vì sao Đức chần chừ cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine? - 2

Xe chiến đấu bộ binh Marder (Ảnh: DW).

Xe Marder cũng có hệ thống thông gió bảo vệ chống lại vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học và có thể vượt qua vùng nước sâu tới 2m nhờ hệ thống thủy lực chìm.

Ngoài ra, chính phủ Đức cho rằng, những vũ khí hạng nặng mà Ukraine muốn có không có giá trị sử dụng ngay. Theo Berlin, binh lính Ukraine chỉ có thể sử dụng vũ khí mà họ cảm thấy quen thuộc.

Mặt khác, các thiết bị quân sự mới còn cần có đội ngũ hậu cần kèm theo, không chỉ để giúp Ukraine sửa chữa mà cần cả các phụ tùng thay thế tương ứng. Điều này sẽ khó khăn trong bối cảnh diễn biến chiến sự ở Ukraine xảy ra rất nhanh.

Chuyên gia quốc phòng Đức - ông Carlo Masala - coi đây là một mối quan tâm hợp lý.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu xe Marder gặp sự cố, trục trặc kỹ thuật? Bạn không có phụ tùng thay thế. Bạn không có kỹ thuật viên có thể sửa chữa nó", ông nói. "Bạn cần đảm bảo có một tuyến hậu cần ở Ukraine, nơi họ có phụ tùng thay thế, nơi họ có các kỹ thuật viên được đào tạo".

Và vấn đề đặt ra là liệu việc đưa xe tăng vào tay người Ukraine sẽ không hiệu quả khi có quá nhiều lo lắng về hậu cần sau này.

Theo DW