1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Đông Nam Á “chuộng” vũ khí Nga, không mặn mà với Mỹ?

(Dân trí) - Các quốc gia Đông Nam Á ngày càng chi nhiều hơn để mua thiết bị quân sự của Nga, đưa Moscow trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho khu vực này.

Vì sao Đông Nam Á “chuộng” vũ khí Nga, không mặn mà với Mỹ? - 1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cầm khẩu súng AK-47 trên tàu khu trục Đô đốc Panteleyev của Nga năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Mặc dù Nga vẫn xếp sau Mỹ trong các thương vụ mua bán vũ khí toàn cầu, song Moscow hiện là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), một viện nghiên cứu của Thụy Điển chuyên công bố dữ liệu về các thương vụ vũ khí, Đông Nam Á đã mua 6,6 tỷ USD vũ khí Nga trong giai đoạn từ năm 2010 - 2017, chiếm hơn 12% trong tổng số hợp đồng vũ khí của Nga.

Cũng theo số liệu của Sipri, trong cùng thời điểm trên, các nước Đông Nam Á đã mua 4,5 tỷ USD vũ khí Mỹ, chiếm 6% trong tổng số hợp đồng vũ khí toàn cầu của Mỹ. Châu Á chiếm 40% trong tổng số thương vụ vũ khí toàn cầu từ năm 2014 - 2018.

Lợi thế của vũ khí Nga

Vì sao Đông Nam Á “chuộng” vũ khí Nga, không mặn mà với Mỹ? - 2

Trực thăng quân sự Nga tham gia tập trận năm 2018 (Ảnh: AFP)

Giới phân tích nhận định, các nước Đông Nam Á tăng cường mua vũ khí phần lớn vì muốn đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Từ năm 2010 - 2017, 54,6 tỷ USD vũ khí Nga đã được xuất khẩu ra toàn cầu. Vũ khí Nga không chỉ rẻ hơn so với vũ khí Mỹ, mà còn nổi tiếng vì độ bền. Nga tăng cường bán vũ khí cho các nước trong khu vực trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để tranh giành đồng minh và tầm ảnh hưởng.

“Vì ngày càng nhiều lo ngại xuất hiện tại Đông Nam Á trong suốt thập niên qua về sự cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc, chẳng hạn trên Biển Đông, nên các nước Đông Nam Á nhận ra rằng việc đẩy mạnh lực lượng quân sự của họ bằng cách mua vũ khí Nga sẽ là cách thức kinh tế hơn”, cựu Đại sứ Mỹ William Courtney nhận định.

“Vũ khí Nga tương đối rẻ và tốt. Chẳng hạn hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga có thể tốt ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn hệ thống (phòng thủ tên lửa) Patriot của Mỹ, nhưng giá chỉ bằng một nửa”, ông Courtney cho biết.

Số lượng lớn vũ khí “chảy” vào Đông Nam Á trong những năm qua một phần bởi vì các nước trong khu vực bây giờ đã có đủ tiền để mua chúng. Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Sipri, nói rằng sau quá trình tăng trưởng kinh tế đáng kể trong vài chục năm qua, ngày càng nhiều nước Đông Nam Á nhận ra rằng họ có thể chi tiền để xây dựng lực lượng quân sự lớn mạnh hơn.

Indonesia, Malaysia, thậm chí các nước có hiệp ước phòng vệ chung với Mỹ như Thái Lan hay Philippines, đều tìm mua vũ khí từ Nga. Không giống như Mỹ, Nga đề xuất bán vũ khí và thiết bị quân sự mà không cần xem xét mục đích sử dụng của bên mua, hay quan tâm đến những vấn đề như nhân quyền.

Theo các chuyên gia, Indonesia vẫn đang mua vũ khí từ nước ngoài cho các mục đích phi quân sự, như phục vụ cho các chiến dịch chống ma túy hay buôn người, hoặc các hoạt động đánh bắt cá trái phép tại vùng biển của Indonesia.

“Hãy nghĩ xem một số nước trong khu vực này rộng lớn đến cỡ nào. Indonesia trải rộng trên khu vực với quy mô tương đương châu Âu, để có thể cứu trợ thảm họa hay tuần tra hàng hải, họ cần đến số lượng lớn thiết bị”, chuyên gia Wezeman nhận định.

Một lợi thế khác của việc mua vũ khí Nga là sự linh hoạt trong việc thanh toán. Khác với Mỹ, Nga đôi khi cho phép khách hàng mua vũ khí của họ thanh toán bằng dầu cọ hoặc các hàng hóa khác với mức giá thấp hơn giá thị trường.

Nga sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào việc hỗ trợ khách hàng nâng cao năng lực bảo dưỡng các vũ khí mua từ Nga. Viktor Kladov, giám đốc hợp tác quốc tế tại tập đoàn công nghiệp quân sự Rostec của Nga, cho biết tập đoàn này có kế hoạch mở rộng các dịch vụ hỗ trợ và sửa chữa trực thăng trên toàn khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, Nga có thể không đủ nguồn lực để thực hiện các cam kết nâng cấp hoặc sửa chữa trọn đời các vũ khí mà họ đã bán cho khách hàng.

Không quân Hoàng gia Malaysia đang nghiên cứu đề xuất mua các máy bay chiến đấu Sukhoi do Nga sản xuất để nâng cấp các máy bay chiến đấu hiện thời của nước này. Theo chuyên gia Wezeman, các nước như Malaysia, Thái Lan và Indonesia cũng có một số phương án mua sắm vũ khí.

“Họ cảnh giác với việc chỉ phụ thuộc vào một nhà cung cấp và muốn xem xét thêm các cam kết đi kèm (với các hợp đồng)”, chuyên gia Wezeman cho biết.

Nguy cơ bị trừng phạt

Vì sao Đông Nam Á “chuộng” vũ khí Nga, không mặn mà với Mỹ? - 3

Các hệ thống tên lửa của Nga được trưng bày tại triển lãm ở thành phố St. Petersburg năm 2017. (Ảnh: EPA)

Việc mua vũ khí Nga có thể khiến các nước đối mặt với nguy cơ bị Mỹ trừng phạt. Năm 2017, Mỹ đã thông qua luật cho phép trừng phạt bất kỳ nước nào mua vũ khí từ các công ty có liên quan tới quân đội hoặc các cơ quan tình báo của Nga.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump về mặt kỹ thuật có thể yêu cầu Quốc hội miễn lệnh trừng phạt đối với các nước thân thiện với Mỹ nhưng mua vũ khí của Nga, tuy nhiên việc miễn giảm này không thể áp dụng với các hợp đồng mua sắm lớn.

Một nước Đông Nam Á không mặn mà với vũ khí Nga là Singapore. Quốc đảo này sở hữu một trong những lực lượng quân sự được trang bị tốt nhất tại Đông Nam Á và có mối liên hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ.

Mỹ và Singapore gần đây đã gia hạn thỏa thuận kéo dài 3 thập niên, cho phép lực lượng quân sự Mỹ tiếp cận các căn cứ hải quân và không quân của Singapore. Hồi đầu năm nay, Singapore thông báo sẽ mua 4 máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất, cạnh tranh với các máy bay chiến đấu của châu Âu và Trung Quốc.

Theo giới phân tích, lệnh trừng phạt vì mua vũ khí Nga của Mỹ có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc, đồng thời cản trở các nước Đông Nam Á sở hữu những vũ khí họ mong muốn. Theo Sipri, Trung Quốc chỉ bán 1,8 tỷ USD vũ khí cho Đông Nam Á từ năm 2010 - 2017, trong đó 66% cho Myanmar. Tuy nhiên, trong bối cảnh Malaysia đang tìm mua các tàu chiến từ Trung Quốc, còn Thái Lan tìm mua các tàu ngầm, giới chuyên gia cho rằng số lượng vũ khí của Trung Quốc bán cho khu vực này chắc chắn sẽ tăng lên.

Thành Đạt

Theo SCMP