1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao dân Anh muốn rời EU?

Cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU đã phơi bày một cuộc nổi dậy đầy tức giận của hàng triệu cử tri Anh chống lại chính phủ của họ, chống lại lãnh đạo các đảng chính trị, các doanh nghiệp và chuyên gia ở mọi tầng lớp.

Theo bình luận của tờ Economist, các thăm dò và phỏng vấn truyền hình với cử tri Anh và các chính trị gia đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về Vương quốc Anh, bị chia rẽ nặng nề giữa các tôn giáo, tầng lớp, tuổi tác, vùng miền và cả tôn giáo.

Cuộc trưng cầu dân ý cho thấy vương quốc Anh bị chia rẽ sâu sắc. (Ảnh: CBS News)
Cuộc trưng cầu dân ý cho thấy vương quốc Anh bị chia rẽ sâu sắc. (Ảnh: CBS News)

Nếu công chúng Anh cứ im lặng cân nhắc thiệt hại và lợi ích khi tiếp tục là thành viên EU thì rất khó mà thấy được những chia rẽ sâu sắc và lớn đến như vậy.

Ở London, số lượng cử tri đi bỏ phiếu ít hơn mong đợi của các nhà vận động thuộc phe "Ở". Thủ đô Anh vốn được cho là có đông đảo cử tri học cao, thu nhập tốt và đa sắc tộc - những người thường bày tỏ trong các thăm dò dư luận rằng họ muốn ở lại EU.

Tâm trạng lo lắng đã phủ bóng lên các thị trường tài chính. Ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, giới đầu tư đã tỏ ra vui mừng khi thăm dò cho thấy phe "Ở" dẫn trước tới 4 điểm phần trăm. Đồng Bảng chạm mốc 1,5 USD, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Thế nhưng ngay sau đó, đồng tiền này đã lao dốc thẳng, xuống còn 1,43 USD chỉ trong vài giây khi có tín hiệu phe "Đi" thắng thế.

Khi màn đêm buông xuống, tự bản thân phe Ở và phe Đi đều có những chia rẽ trong nội bộ. Hoạt động bỏ phiếu vừa mới khép lại thì Douglas Carswell - một thành viên phe Bảo thủ ở Quốc hội đầu quân sang UKIP "tố" lãnh đạo của chính đảng mình vì một tấm áp phích dựng lên từ vài ngày trước, có cảnh người tị nạn da màu vượt qua một cánh đồng ở Đông Âu, bên dưới là khẩu hiệu "Điểm Tới hạn".

"Tôi nghĩ về mặt đạo đức việc làm này là sai. Xu hướng chủ nghĩa dân tộc giận dữ không thắng cử ở đất nước này", ông Carswell bình luận.

Phe Ở cũng không đoàn kết hơn. David Cameron - Thủ tướng thuộc phe Bảo thủ - miễn cưỡng mới cam kết tổ chức trưng cầu dân ý khi thấy bị suy yếu về chính trị trước cuộc tổng tuyển cử mới đây, khi các thành viên trong chính đảng của ông hoảng sợ trước sự vươn lên của UKIP.

Cameron cũng không phải yêu quý EU một cách vô tư. Đưa ra những lời hứa khó thực hiện về việc giảm lượng người di cư vào EU xuống con số hàng chục nghìn mỗi năm, ông không thể chống đỡ được dòng chảy tự do của người lao động và nhập cư vốn là một trong những trụ cột nền tảng của EU. Thay vì chỉ ra người nhập cư có đóng góp tích cực cho ngân khố quốc gia Anh thì ông lại lập luận rằng "rời EU" sẽ đẩy Anh vào suy thoái. Điều đó có thể đúng nhưng chẳng có ích gì trong việc thuyết phục cử tri.

Theo TIME, cuộc trưng cầu dân ý ở Anh cho thấy, sự hoài nghi đối với EU ngày càng lan rộng, và làn sóng chống EU không chỉ giới hạn bên trong biên giới Anh. Và Brexit mới chỉ là bắt đầu đối với một châu Âu đang chứa đầy giận dữ.

Thanh Hảo

Vietnamnet