Vì sao chung cư 12 tầng tại Mỹ bất ngờ đổ sập?
(Dân trí) - Tòa chung cư 12 tầng ở Miami, Mỹ đã có dấu hiệu sụt lún từ những năm 1990 và các yếu tố như địa hình khu vực được cho là nguyên nhân khiến công trình này đổ sập.
Rạng sáng 24/6, tòa chung cư Champlain Towers South, 12 tầng, ở khu Surfside, thành phố Miami Beach, bang Florida, Mỹ bất ngờ đổ sập khiến ít nhất một người chết, một số người bị thương và 99 người mất tích.
Ít nhất 37 người đã được cứu khỏi đống đổ nát. Các lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người mắc kẹt.
Hiện các nhà chức trách chưa công bố nguyên nhân chính xác dẫn tới thảm kịch trên, song một số chuyên gia đã đưa ra nhận định về vụ việc.
Hiện tượng sụt lún từ lâu
Theo một nghiên cứu được công bố năm 2020 do Shimon Wdowinski, giáo sư tại Đại học Quốc tế Florida, thực hiện, chung cư Champlain Towers bên bờ biển ở hạt Miami-Dade được xây dựng vào năm 1981 đã có hiện tượng sụt lún từ những năm 1990.
"Tôi đã đọc tin tức vào sáng nay và nói: Lạy Chúa, chúng tôi đã phát hiện điều này từ trước", Wdowinski nói với USA Today hôm 24/6.
Nhóm của Wdowinski phát hiện ra rằng, chung cư Champlain Towers đã sụt lún với tốc độ khoảng 2 mm mỗi năm trong những năm 1990.
"Chúng tôi thấy tòa nhà có một số sự dịch chuyển bất thường", Wdowinski nói.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Wdowinski tập trung vào các nguy cơ ngập lụt, không đặt nặng mối quan tâm về kỹ thuật và chỉ đề cập đến "chung cư 12 tầng" trong một dòng.
Giới chức địa phương cho biết tòa chung cư bị sập đang trong quá trình tái kiểm định sau 40 năm sử dụng, bao gồm các bài kiểm tra về hệ thống điện cũng như kết cấu của tòa nhà. Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra khi quá trình kiểm định vẫn chưa kết thúc.
Kết cấu địa hình
Theo NBC, một vấn đề được đặt ra là tòa chung cư bị sập ở Miami Beach được xây dựng trên một hòn đảo chắn sóng. Các nhà khoa học khí hậu và địa chất từ lâu đã cảnh báo rằng, kết cấu địa hình tại những hòn đảo như vậy có thể gây ra rủi ro cho các công trình được xây dựng tại đây, đặc biệt khi mực nước biển dâng.
"Chúng là những cấu trúc rất dễ biến động. Khi mực nước biển dâng, chúng sẽ lùi lại về sau", Orrin Pilkey, giáo sư danh dự về địa chất tại Đại học Duke, người nghiên cứu về hiện tượng nước biển dâng và sự phát triển quá mức tại khu vực ven biển, cho biết.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ocean & Coastal Management vào tháng 4/2020, phân tích các hình ảnh vệ tinh chụp bãi biển Miami, bao gồm cả thị trấn Surfside, cho thấy khu vực này đã dịch chuyển nhẹ mỗi năm trong những năm 1990. Nghiên cứu cho biết những vấn đề này có thể dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng hơn và các mối nguy hiểm cho cộng đồng dân cư địa phương.
Theo "The Geography of Risk", một cuốn sách của Gilbert Gaul - người đoạt giải Pulitzer và chuyên phân tích đầu tư bất động sản vào các cộng đồng ven biển trong thế kỷ qua, người Mỹ đã xây dựng khối bất động sản trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD trên các đảo chắn sóng và vùng ngập lụt ven biển.
"Đó là một vấn đề phức tạp, nhưng tòa nhà lẽ ra không nên được xây ở đó ở đó cùng rất nhiều tòa nhà khác. Chúng ta đang chờ một sự thức tỉnh thực sự", giáo sư Pilkey cảnh báo.
Kenneth Direktor, luật sư của hãng luật Becker từng làm việc với đại diện của chung cư Champlain Towers từ năm 1993, nói với Miami Herald rằng tòa nhà đã thuê một kỹ sư để kiểm định lại công trình sau 40 năm theo yêu cầu của bộ luật xây dựng hạt Miami-Dade.
Bất kỳ công trình nào tại Miami-Dade được xây dựng cách đây 40 năm hoặc lâu hơn đều phải hoàn thành quy trình kiểm tra trong vòng một vài năm sau mốc thời gian trên để đảm bảo rằng, "mỗi tòa nhà hoặc công trình đều an toàn về mặt kết cấu và hệ thống điện để đảm bảo an toàn cho cư dân tiếp tục cư trú".
Peter Zalewski, giám đốc Condo Vultures - công ty phân tích thị trường bất động sản ở Nam Florida, cho biết gần đây có những trường hợp chính quyền địa phương phải đóng cửa các tòa chung cư ở Miami Beach và buộc người dân phải dọn ra ngoài nếu các công trình này không vượt qua quá trình kiểm định.
Chính quyền Miami Beach năm 2005 từng đóng cửa chung cư Castle Beach Club trong hơn 2 năm sau khi tòa nhà không giải quyết được vấn đề hư hỏng cấu trúc và các lỗi về điện.
"Tôi đã ở đây từ năm 1993 và chưa bao giờ thấy điều gì như thế này xảy ra. Các tòa nhà 40 năm tuổi không thể bỗng nhiên sụp đổ và còn cả một loạt các tòa nhà khác nằm dọc theo bờ biển", Zalewski cho biết.
Ăn mòn vật liệu
Gary Slossberg, người sáng lập công ty xây dựng National Home Building & Remodeling Corp ở Nam Florida, cho biết việc kiểm tra định kỳ cũng có ý nghĩa nhất định trong việc đảm bảo sự an toàn của các tòa chung cư.
"Nhìn chung, rất nhiều điều có thể xảy ra. Có thể là lỗi xây dựng hoặc lỗi kỹ thuật", Slossberg nói.
Theo Slossberg, việc kiểm tra kỹ thuật, diễn ra 5 hoặc 10 năm một lần, có thể bao gồm việc dỡ bỏ vách thạch cao hoặc vật liệu khác và kiểm tra các dầm thép "để đảm bảo chúng không bị ăn mòn".
Slossberg nói thêm rằng lượng muối trong không khí ở vùng ven biển của Miami có thể khiến thép dễ bị ăn mòn. Các bằng chứng cho thấy sự ăn mòn có thể xuất hiện ở các vết rỉ sét hoặc cốt thép lộ ra ngoài.
Solssberg cũng cho rằng, nếu tòa nhà được xây dựng trên một "tấm chịu lực" hoặc bê tông có dây cáp chăng, và khi một trong những sợi cáp đó bị lỏng, điều đó có thể dẫn đến sự phá hủy của tòa nhà.
"Nó có thể làm sập cả một tòa nhà", ông Solssberg cho biết.
Slossberg lưu ý rằng tòa chung cư bị sập được xây dựng vào năm 1981, khi các quy định về xây dựng khác với thời điểm hiện tại.
"Khi mỗi cơn bão đi qua, các quy chuẩn mới về xây dựng sẽ xuất hiện. Các quy tắc kỹ thuật mới lại ra đời. 40 năm kể từ khi tòa nhà được xây dựng, các mã quy chuẩn đã thay đổi ít nhất hàng chục lần. Một số tòa nhà cũ kiểu này ban đầu không được xây dựng để chịu được điều kiện thời tiết như hiện nay", Slossberg cho biết thêm.