1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vì sao bất ổn ở Kazakhstan gây lo ngại đối với khu vực và thế giới?

Thanh Thành

(Dân trí) - Các cuộc biểu tình ở Kazakhstan bùng nổ bởi sự tức giận của người dân về giá nhiên liệu tăng cao, nhưng nó đang ngày càng bị chệch hướng và có nguy cơ lan ra khu vực.

Vì sao bất ổn ở Kazakhstan gây lo ngại đối với khu vực và thế giới? - 1

Người biểu tình tập trung tại một địa điểm ở thành phố Almaty, Kazakhstan ngày 4/1 (Ảnh: Reuters).

Các cuộc biểu tình ở Kazakhstan bùng lên bởi sự tức giận vì giá nhiên liệu tăng cao đã trở thành một thứ dễ bắt lửa và đẫm máu hơn: hàng chục người biểu tình và 12 cảnh sát đã thiệt mạng và hàng trăm người khác đã bị thương. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu đã phải điều quân hỗ trợ ổn định tình hình theo đề nghị của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev.

Hàng nghìn người biểu tình giận dữ xuống đường phản đối giá nhiên liệu tăng cao ở Kazakhstan đã tạo ra cuộc khủng hoảng lớn nhất làm rung chuyển đất nước Trung Á này kể từ năm 1991. Tòa thị chính ở Almaty, thành phố lớn nhất đất nước, chìm trong biển lửa do người biểu tình phóng hỏa. Đám đông giận dữ chiếm lấy sân bay quốc tế ở Almaty khiến lực lượng chức năng rất vất vả mới giành lại được quyền kiểm soát.

Các sự kiện này đặt ra thách thức rõ ràng đối với Tổng thống Tokayev với chưa đầy 3 năm cầm quyền và đang gây bất ổn cho một khu vực vốn đã biến động, nơi Nga và Mỹ đang cạnh tranh gay gắt để giành ảnh hưởng.

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 2/1 ở miền tây Kazakhstan khi giá cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao do chính phủ từ chối tiếp tục trợ giá và nói rõ rằng từ nay trở đi, giá LNG sẽ chỉ do thị trường kiểm soát.

Người dân Kazakhstan dùng LNG làm nhiên liệu chạy ô tô thay vì xăng, nhưng giá LNG đã tăng gấp đôi từ 0,14 đến 0,28 USD/lít. Chính phủ cho rằng không trợ giá sẽ giúp giá LNG cân bằng dựa trên cung và cầu cũng như thu hút thêm đầu tư cho sản xuất. Các nhà chức trách cho rằng mô hình cũ đã khiến các nhà sản xuất LNG liên tục thua lỗ.

Nhưng các cuộc biểu tình có nguồn gốc sâu xa hơn, bao gồm cả sự tức giận trước sự chênh lệch kinh tế và xã hội, vốn ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Khi các cuộc biểu tình ngày càng leo thang, những người biểu tình càng đưa ra những yêu cầu lớn hơn, từ việc hạ giá nhiên liệu đến tự do hóa chính trị rộng rãi hơn, trong đó có yêu cầu thay đổi một hệ thống bầu cử địa phương theo mong muốn của họ.

Nằm giữa Nga và Trung Quốc, Kazakhstan là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, lớn hơn toàn bộ Tây Âu, mặc dù với dân số chỉ 19 triệu người. Các cuộc biểu tình mới nhất gây lo ngại vì nước này cho đến nay được coi là trụ cột của sự ổn định chính trị và kinh tế trong một khu vực bất ổn.

Các cuộc biểu tình cũng đáng chú ý vì Kazakhstan là một đồng minh thân cận của Nga và Tổng thống Vladimir Putin vẫn luôn xem quốc gia Trung Á này là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Moscow.

Đối với Điện Kremlin, cuộc khủng hoảng này đặt ra một thách thức khác trong bối cảnh Moscow đang phải gồng mình chống chọi với Mỹ và châu Âu. Đây là làn sóng biểu tình thứ ba chống lại một quốc gia đồng minh thân cận với Điện Kremlin, sau các cuộc biểu tình ở Ukraine vào năm 2014 và ở Belarus vào năm 2020. Sự hỗn loạn có nguy cơ làm suy yếu ảnh hưởng và vị thế của Moscow trong khu vực vào thời điểm Nga đang cố gắng khẳng định nền kinh tế và sức mạnh địa chính trị ở các nước như Ukraine và Belarus.

Các nước thuộc Liên Xô cũ cũng đang theo dõi chặt chẽ các cuộc biểu tình với mối lo các sự kiện ở Kazakhstan có thể tạo hiệu ứng domino.

Với Mỹ, Kazakhstan cũng rất quan trọng vì nhu cầu năng lượng. Hai ông lớn về năng lượng Exxon Mobil và Chevron của Mỹ đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào miền tây Kazakhstan, khu vực bắt đầu bất ổn trong tháng này.

Mặc dù có mối quan hệ chặt chẽ với Moscow, Kazakhstan cũng duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ, với việc đầu tư vào dầu mỏ được coi là nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Nga.

Theo www.nytimes.com