1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

74 máy bay Nga đưa binh sĩ, khí tài đến Kazakhstan

Minh Phương

(Dân trí) - Nga và các nước trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã nhanh chóng triển khai lực lượng đến Kazakhstan ngay khi được đề nghị giúp đỡ ngăn làn sóng biểu tình bạo loạn ở đây.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 7/1 cho biết, tổng cộng 74 máy bay, trong đó có máy bay vận tải lyushin IL-76 Candid và máy bay AN-124 Condor, đã tham gia vận chuyển binh sĩ và khí tài đến Kazakhstan sau đề nghị hỗ trợ của chính phủ Kazakhstan.

"Các máy bay vận tải quân sự đã tiến hành vận chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đến Kazakhstan từ các sân bay ở khu vực Moscow, Ivanov và Ulyanovsk", hãng tin Zveda dẫn thông cáo của Bộ Quốc Phòng Nga cho biết.

Lính Nga tới Kazakhstan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO đã được cử đến Kazakhstan theo đề nghị của giới chức trách nước này và đây là một quyết định tập thể.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO điều đến Kazakhstan bao gồm 3.600 binh sĩ, trong đó có 3.000 binh sĩ Nga, 230 binh sĩ Belarus, 200 binh sĩ Tajikistan và 70 binh sĩ Armenia. Ngoài binh sĩ, CSTO cũng triển khai các khí tài đến quốc gia Trung Á này, trong đó có các xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tới Kazakhstan

Theo thông cáo của CSTO, lực lượng này sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở trọng yếu của chính quyền và quân đội Kazakhstan. Hiện chưa rõ, lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO sẽ thực thi sứ mệnh ở Kazakhstan trong bao lâu, nhưng theo nguồn tin của RIA Novosti, họ có thể ở lại đây từ vài ngày đến vài tuần.

CSTO là một liên minh gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Các nước tham gia tổ chức này nhất trí kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa. Các hành động gây hấn nhằm vào một trong số các nước thành viên được xem như hành động gây hấn với tất cả các nước thành viên CSTO.

Động thái triển khai lực lượng của CSTO diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đề nghị CSTO triển khai lực lượng tới để hỗ trợ ổn định tình hình trong bối cảnh làn sóng biểu tình chống chính phủ tiếp tục lan rộng.

Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự hoài nghi của Mỹ và một số nước châu Âu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đặt câu hỏi liệu binh sĩ CSTO "có được mời đến Kazakhstan một cách hợp pháp hay không". "Chúng tôi có thắc mắc đó là bởi Kazakhstan có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề của họ", ông Price phát biểu ngày 6/1. Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ sẽ theo dõi sát hành động của nhóm binh sĩ CSTO.

Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng, việc điều động lực lượng tới Kazakhstan hỗ trợ ứng phó biểu tình có thể giúp Nga mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á.

Tình hình ở Kazakhstan được cho là có tác động quan trọng đến chính sách đối nội, đối ngoại của Nga. Một yếu tố quan trọng khiến Nga nhanh chóng can thiệp là Moscow đang thuê sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan. Sân bay Vostochny của Nga được xây dựng gần đó để thực hiện các vụ phóng vệ tinh và tàu không người lái. Vì vậy, Nga cần sự ổn định chính trị ở Kazakhstan để vận hành sân bay Baikonur cho đến khi nước này sẵn sàng thay thế cơ sở này.