Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng thế nào bởi vụ bạo loạn tại Kazakhstan?
(Dân trí) - Cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong 30 năm qua ở Kazakhstan làm dấy lên lo ngại rằng các công ty Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, do họ đổ vào quốc gia Trung Á nhiều khoản đầu tư quy mô lớn.
Theo SCMP, thế giới đang đổ dồn sự tập trung vào Kazakhstan trong những ngày gần đây sau khi cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng bùng phát trở thành các cuộc bạo loạn đẫm máu làm hàng chục người biểu tình và thành viên lực lượng hành pháp thiệt mạng.
Vụ bạo loạn tồi tệ nhất kể từ khi Kazakhstan tuyên bố độc lập 30 năm trước đã làm dấy lên những lo ngại về việc nó sẽ ảnh hưởng ra sao tới các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn đổ các khoản tiền lớn vào quốc gia Trung Á trong khuôn khổ sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Kazakhstan giáp Trung Quốc về phía tây bắc và là quốc gia không giáp biển có diện tích lớn nhất thế giới. Nước này sở hữu trữ lượng dầu mỏ và khoáng sản dồi dào.
Quốc gia này nằm giữa Trung Quốc và châu Âu, vì vậy nó được xem là một điểm kết nối quan trọng trong "Một vành đai, một con đường", sáng kiến mà Bắc Kinh kỳ vọng có thể mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng ra thế giới.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Kazakhstan và là nước nhập khẩu nhiều nhất từ quốc gia Trung Á. Trung Quốc đã đầu tư 19,2 tỷ USD vào Kazakhstan từ năm 2005. Khoảng 56 dự án có liên quan tới Trung Quốc trị giá 24,5 tỷ USD dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Trung Quốc đầu tư nhiều vào lĩnh vực năng lượng của Kazakhstan, với dự án đường ống dẫn khí Trung Quốc - Trung Á bắt đầu vận hành vào năm 2009 chạy qua Kazakhstan.
Không những có tầm quan trọng về mặt địa chiến lược với Trung Quốc, Kazakhstan còn là nơi mà các công ty năng lượng Mỹ như ExxonMobil và Chevron đổ hàng tỷ USD đầu tư.
Lo ngại từ Trung Quốc
Chính vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn ở Kazakhstan, trong bối cảnh quốc gia Trung Á trong 30 năm qua có nền chính trị tương đối ổn định. Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố phản đối bất cứ nỗ lực nào của các thế lực nước ngoài nhằm gây rối và tạo ra "cách mạng màu" ở Kazakhstan. Ông Tập cũng cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Kazakhstan để quyết cuộc khủng hoảng tại nước này.
Ngay sau khi, bạo lực bùng phát ở Kazakhstan, Đại sứ quán Trung Quốc tại quốc gia này đã phát đi cảnh báo rủi ro an ninh tới các công ty Trung Quốc và khuyến cáo họ theo sát diễn biến của tình hình.
Truyền thông Trung Quốc cho hay, hiện thời vụ bạo loạn chưa gây tác động mạnh tới các doanh nghiệp Trung Quốc, và đường ống khí đốt giữa 2 nước tạm thời vẫn an toàn vì chúng nằm ở khu vực hẻo lánh, xa thành phố lớn - nơi các cuộc biểu tình diễn ra. Global Times cho biết, phía Kazakhstan đang áp dụng các biện pháp để đảm bảo an toàn của các công ty Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Yang Jin, chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo nếu tình hình bất ổn tiếp tục diễn tiến ở Kazakhstan, các dự án của Trung Quốc tại nước này có thể bị ảnh hưởng và đe dọa, ví dụ như các đường ống dẫn khí và cơ sở hạ tầng dầu mỏ có thể phải hứng rủi ro bị phá hoại.
Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, Trung Quốc không muốn tình hình bất ổn diễn ra ở khu vực Trung Á, ngay sát cửa ngõ của họ, vì lo ngại tình trạng căng thẳng ở khu vực có thể lan tới Tân Cương. Năm ngoái, Trung Quốc cũng từng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với chính biến ở Afghanistan khi Taliban lên nắm quyền trở lại vì lo ngại tình hình an ninh tại Tân Cương.
"Liệu có các tổ chức khủng bố như ETIM (Bắc Kinh cáo buộc gây ra bất ổn ở Tân Cương) có được khích lệ bởi các vụ bạo loạn ở Kazakhstan? Tình huống thật sự khó đoán biết", Pan Guang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận định.