Vì sao Ba Lan đột nhiên "nói cứng" với Ukraine?
(Dân trí) - Các tuyên bố cứng rắn của Ba Lan đối với Ukraine được đưa ra trong bối cảnh chính quyền đương nhiệm tại Warsaw đang đối diện cuộc bầu cử quốc hội.
Việc Ba Lan gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine đã gây khó chịu cho Kiev. Cho đến gần đây, Ba Lan vẫn được coi là một trong những đồng minh lớn nhất của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Thủ tướng Mateusz Morawiecki hôm 20/9 cho biết Ba Lan, một thành viên NATO, sẽ dừng gửi vũ khí cho Ukraine để tập trung xây dựng lại kho vũ khí của mình.
"Tôi muốn thông báo rằng Ba Lan sẽ chỉ cung cấp đạn dược và vũ khí theo các thỏa thuận đã ký trước đó", người phát ngôn chính phủ Piotr Muller nói với hãng thông tấn nhà nước PAP ngày 21/9. "Điều này bao gồm cả những kết quả từ các hợp đồng đã ký với Ukraine".
Ngày bầu cử sắp tới ở Ba Lan
Một quan chức Mỹ gần đây đến thăm Ba Lan đã bác bỏ ý kiến cho rằng bình luận của ông Morawiecki thể hiện dấu hiệu rạn nứt trong tình đoàn kết của phương Tây với Ukraine.
"Tất cả chúng ta đều là con người và có những khoảnh khắc căng thẳng... Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ có thay đổi đáng kể trong sự đoàn kết của liên minh, hay thậm chí là trong lập trường cơ bản và quyết tâm của Ba Lan hỗ trợ Ukraine lâu dài", quan chức này nói với Reuters.
Cuộc đấu khẩu diễn ra trong bối cảnh Ba Lan sắp tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 15/10, và đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS) đang bị phe cực hữu chỉ trích vì cái mà họ cho là "sự phục tùng" trước Ukraine.
Đảng Liên minh, đảng có tiếng nói chống Ukraine, đang đứng thứ 3 trong nhiều cuộc thăm dò và có khả năng sẽ đóng vai trò quyết định thắng lợi trong cuộc bầu cử. Vì thế, giới phân tích cho rằng lời lẽ cứng rắn hơn của PiS đối với Ukraine là phản ứng trước tỷ lệ ủng hộ ngày càng tăng của đảng Liên minh.
Theo Marek Swierczynski, nhà phân tích quốc phòng tại tổ chức tư vấn Polityka Insight, Ba Lan có thể đúng là không còn vũ khí để cung cấp cho Ukraine, nhưng ông Morawiecki hẳn phải biết rằng thời điểm đưa ra bình luận ấy sẽ tạo hiệu ứng "như quả lựu đạn".
"Theo ý kiến của tôi, động thái đó là sự leo thang của chiến dịch nhằm giành thêm vài phần trăm cử tri đang phản đối Ukraine ở Ba Lan", ông Swierczynski nói.
Dấu hiệu hạ nhiệt
Khi được hỏi về bình luận của ông Morawiecki, Bộ trưởng Tài sản Nhà nước Jacek Sasin nói: "Hiện tại sẽ đúng như lời Thủ tướng đã nói, trong tương lai còn để xem".
Bộ trưởng Sasin cũng khẳng định tranh chấp về ngũ cốc không có nghĩa là Ba Lan đã ngừng ủng hộ Ukraine, mà Warsaw cần bổ sung kho dự trữ vũ khí của mình.
"Trong trường hợp này, lợi ích của Ba Lan được đặt lên hàng đầu", ông nói. "Chúng tôi không thể giải giáp quân đội Ba Lan, chúng tôi không thể loại bỏ những vũ khí cần thiết cho an ninh của chúng tôi".
"Với những trường hợp có thể sắp xếp chuyển giao vũ khí thì chúng tôi đã làm và còn rất hào phóng trong vấn đề này... Chúng tôi hoàn toàn không có gì để tự trách mình cả", ông Sasin nói.
Ba Lan đã cung cấp nhiều loại vũ khí cho Ukraine, bao gồm xe tăng T-72 và Leopard, xe bọc thép và pháo cho Ukraine kể từ cuộc xung đột với Nga nổ ra vào ngày 24/2/2022. Warsaw chưa công bố danh sách đầy đủ những khí tài đã cung cấp.
Đại sứ Ukraine tại Ba Lan đã có động thái xoa dịu căng thẳng, nói với PAP rằng "không người dân Ukraine nào muốn gây khó khăn cho nông dân Ba Lan" và hai bên có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề ngũ cốc.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ba Lan ngày 21/9 đã đồng ý tìm ra giải pháp cho tranh chấp ngũ cốc mà có lợi cho cả hai nước, Reuters dẫn lời Bộ này đưa tin.