1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu lại chia rẽ vì ngũ cốc Ukraine

Quốc Đạt

(Dân trí) - Ba Lan, Slovakia và Hungary vừa tung biện pháp siết nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, bất chấp việc Ủy ban châu Âu quyết định không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu đối với mặt hàng này.

Châu Âu lại chia rẽ vì ngũ cốc Ukraine - 1

Một xe tải chở ngũ cốc tại làng ở làng Zghurivka, Ukraine, vào tháng 8/2022 (Ảnh: AP).

Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới trước khi xung đột với Nga bùng nổ vào năm 2022, làm giảm khả năng vận chuyển nông sản sang thị trường toàn cầu.

Thay vào đó, nông dân Ukraine phải xuất khẩu ngũ cốc thông qua các nước láng giềng, do Kiev không thể sử dụng các tuyến đường thường dùng trước đó tại Biển Đen.

Nhưng làn sóng ngũ cốc và hạt có dầu tràn sang nước láng giềng đã kéo giá cả tại đây đi xuống, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân địa phương và buộc chính quyền sở tại cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine.

EU: Không còn lý do để cấm

Tới tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) vào cuộc và áp đặt lệnh cấm đối với hàng xuất khẩu của Ukraine vào các nước láng giềng. Theo lệnh cấm, Ukraine được phép xuất khẩu qua các nước này với điều kiện sản phẩm phải được bán ở nơi khác.

EU đã để lệnh cấm đó hết hiệu lực vào ngày 15/9, sau khi Ukraine cam kết sẽ thắt chặt xuất khẩu sang các nước láng giềng. Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm vào thời điểm hiện tại vì nông dân đã qua mùa thu hoạch và chuẩn bị bán.

Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis hôm 15/9 cho biết các nước nên hạn chế ra lệnh cấm đơn phương đối với ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine, nhưng Ba Lan, Slovakia và Hungary đã lập tức phản ứng bằng cách từng nước ban hành quy định siết ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine của riêng họ. 3 nước này vẫn sẽ cho phép sản phẩm của Ukraine trung chuyển.

"Nếu Ukraine có thể chứng nhận rằng ngũ cốc sẽ được vận chuyển đến quốc gia khác bằng xe tải và tàu hỏa, lệnh cấm trong nước sẽ không thực sự ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Ukraine ra nước ngoài", ông Terry Reilly, chiến lược gia nông nghiệp cấp cao của Marex, đánh giá với Reuters.

Châu Âu lại chia rẽ vì ngũ cốc Ukraine - 2

Nông dân ở 5 quốc gia EU láng giềng với Ukraine đã nhiều lần than phiền về tình trạng dư thừa sản phẩm ảnh hưởng đến giá cả trong nước và đẩy họ đến bờ vực phá sản (Đồ họa: RFERL).

Hiện chưa rõ Kiev đã cam kết hạn chế xuất khẩu ở mức nào, hay các lệnh cấm mới sẽ tác động ra sao đến dòng sản phẩm từ Ukraine. Vấn đề này đã làm nổi bật sự chia rẽ trong EU về tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với nền kinh tế của các nước thành viên có nền nông nghiệp mạnh mẽ.

EU cho biết không có lý do gì để gia hạn lệnh cấm vì thị trường đã không còn những biến dạng về nguồn cung dẫn đến lệnh cấm hồi tháng 5. EU cũng nói sẽ không áp đặt các hạn chế chừng nào Ukraine thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiệu quả.

Chia rẽ nội bộ

Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan nghênh quyết định của EU không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ từ Ukraine.

Nhưng 3 trong số 5 nước EU là láng giềng với Ukraine cho rằng họ hành động là để đảm bảo lợi ích nền kinh tế của chính mình.

"Lệnh cấm bao gồm 4 loại ngũ cốc, nhưng theo đề nghị của tôi và của nông dân, nó đã được mở rộng để bao gồm bột từ các loại ngũ cốc sau: Ngô, lúa mì, hạt cải dầu", Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus thông báo trên Facebook.

Châu Âu lại chia rẽ vì ngũ cốc Ukraine - 3

Một phụ nữ cầm ổ bánh mì trong cuộc phản đối của nông dân trước Văn phòng Đại diện Ủy ban châu Âu tại Bucharest, Romania, vào tháng 4 (Ảnh: AP).

Hungary đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với 24 loại nông sản Ukraine, bao gồm ngũ cốc, rau, một số sản phẩm thịt và mật ong, theo nghị định chính phủ công bố hôm 15/9.

Bộ trưởng Nông nghiệp Slovakia cũng có động thái tương tự khi công bố lệnh cấm ngũ cốc của riêng nước này.

Lệnh cấm của cả 3 nước đều chỉ áp dụng đối với hàng nhập khẩu trong nước và không ảnh hưởng đến việc trung chuyển sang các thị trường tiếp theo.

Nông dân ở 5 quốc gia EU láng giềng với Ukraine đã nhiều lần than phiền về tình trạng dư thừa sản phẩm ảnh hưởng đến giá cả trong nước và đẩy họ đến bờ vực phá sản.

Các quốc gia này, ngoại trừ Bulgaria, trước đó đã kêu gọi EU gia hạn lệnh cấm. Bulgaria hôm 14/9 đã bỏ phiếu bãi bỏ lệnh cấm.

Cùng ngày, chính phủ Romania hôm 15/9 cho biết họ "rất tiếc vì không thể tìm ra giải pháp châu Âu để gia hạn lệnh cấm". Nhưng nước này sẽ đợi Ukraine trình bày kế hoạch ngăn chặn sự gia tăng xuất khẩu trước khi quyết định cách bảo vệ nông dân Romania.

Theo Reuters