1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Ấn Độ chưa phong tỏa toàn quốc bất chấp "bão" Covid-19 càn quét?

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa quyết định áp lệnh phong tỏa toàn quốc, bất chấp sự bùng phát mạnh mẽ của làn sóng Covid-19 thứ hai.

Vì sao Ấn Độ chưa phong tỏa toàn quốc bất chấp bão Covid-19 càn quét? - 1

Rất đông tín đồ tham dự lễ hội Kumbh Mela tại Ấn Độ hồi tháng 3 (Ảnh: AFP).

Ấn Độ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá của làn sóng Covid-19 thứ hai, khiến gần 23 triệu người nhiễm bệnh và hơn 250.000 người tử vong kể từ khi dịch bùng phát.

Mặc dù ghi nhận những con số thảm khốc, song cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa áp lệnh phong tỏa toàn quốc.

Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ không phong tỏa toàn quốc, bất chấp những lời kêu gọi chính phủ thực hiện biện pháp này để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Trong một phát biểu trên truyền hình vào tháng trước, Thủ tướng Modi kêu gọi các bang coi việc áp lệnh phong tỏa "là lựa chọn cuối cùng".

Tòa án Tối cao Ấn Độ khuyến cáo chính phủ trung ương nên áp lệnh phong tỏa. Lãnh đạo đảng đối lập tại Ấn Độ gần đây cũng kêu gọi Thủ tướng chuẩn bị áp thêm lệnh phong tỏa toàn quốc và đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cũng kêu gọi Ấn Độ phong tỏa hoàn toàn.

"Tôi nghĩ điều quan trọng nhất hiện nay là cần lập tức có nguồn ôxy, vật tư, thuốc men, trang bị bảo hộ... Nhưng một điều cấp bách khác cần làm là áp lệnh phong tỏa toàn quốc. Không cần phong tỏa suốt 6 tháng, mà chỉ cần lệnh phong tỏa tạm thời để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm", ông Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng, nhận định.

Theo ông Fauci, "không ai muốn phong tỏa đất nước", nhưng nếu chỉ làm điều đó trong vài tuần, việc phong tỏa "có thể tác động rất lớn đến đợt bùng phát này" tại Ấn Độ.

Tuy vậy, cho tới nay, chỉ một vài bang có số ca nhiễm tăng đột biến mới thực hiện phong tỏa cục bộ, trong khi một số bang khác chỉ phong tỏa một phần. Thủ đô New Delhi ngày 19/4 thông báo lệnh phong tỏa một tuần, sau đó gia hạn lệnh này thêm một tuần nữa để chống Covid-19.

Thách thức từ lệnh phong tỏa

Vì sao Ấn Độ chưa phong tỏa toàn quốc bất chấp bão Covid-19 càn quét? - 2

Cảnh sát ngăn người dân rời khỏi nhà trong đợt phong tỏa tại Ấn Độ hồi tháng 3/2020 (Ảnh: PTI).

"Từ những gì chúng ta đã thấy vào năm ngoái, việc áp lệnh phong tỏa toàn quốc năm nay sẽ đối mặt với thách thức", Itika Sharma Punit, biên tập viên tạp chí Quartz India, cho biết.

Giới phân tích nhận định chính phủ của Thủ tướng Modi không muốn tái áp đặt lệnh phong tỏa, do tác động nặng nề mà biện pháp này gây ra đối với đời sống của người dân cũng như nền kinh tế của đất nước.

Theo bà Punit, lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng 3 năm ngoái đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Ấn Độ, và đây là lý do khiến chính phủ nước này chưa sẵn sàng thực hiện phong tỏa thêm một lần nữa.

Bà Punit nhận định đợt phong tỏa toàn quốc tại Ấn Độ hồi năm ngoái được xem là "đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất" mà một quốc gia trên thế giới từng áp dụng.

"Mọi thứ đều đóng cửa, hoạt động sản xuất dừng lại, hoạt động kinh doanh cũng dừng lại. Nền kinh tế đất nước đã rơi vào suy thoái", bà Punit cho biết thêm.

Những người lao động nhập cư từ các vùng nông thôn của Ấn Độ phải gánh chịu hậu quả của lệnh phong tỏa.

"Các nhà máy dừng hoạt động, các công trường xây dựng bị đóng cửa. Rất nhiều người đột nhiên không có tiền để nuôi con", bà Punit nói.

Theo Chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng Ấn Độ (PHFI), Srinath Reddy, câu hỏi rằng liệu Thủ tướng Modi có đưa ra quyết định đúng đắn khi không thực hiện phong tỏa toàn quốc hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Theo ông Reddy, một số bang nhận thấy rằng họ có thể xử lý đại dịch mà không cần phong tỏa toàn bộ.

"Việc phong tỏa có thể không giống nhau trên cả nước, vì các bang khác nhau bước vào làn sóng (Covid-19) thứ hai theo những cách khác nhau", ông Reddy nói thêm.

Nhiều bang có tỷ lệ lây nhiễm cao đã quyết định hành động và thực hiện phong tỏa hoàn toàn, bao gồm cả các vùng nông thôn - nơi virus lây lan mạnh nhất.

Giáo sư Reddy cho rằng chính phủ Ấn Độ ngay từ đầu đã không dành sự ưu tiên cần thiết cho hệ thống y tế công cộng của nước này, phần lớn là do "niềm tin sai lầm" rằng làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ không nghiêm trọng như bây giờ.

Thủ tướng Modi đã bị chỉ trích vì không hành động sớm hơn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai, sau khi cho phép tổ chức các lễ hội tôn giáo và các cuộc mít tinh chính trị thu hút hàng chục nghìn người trong những tuần gần đây và trở thành những sự kiện siêu lây nhiễm.

Sự gia tăng các ca nhiễm cũng diễn ra đồng thời với sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ tiêm chủng do các vấn đề về nguồn cung và bàn giao vắc xin, mặc dù Ấn Độ là nước sản xuất vắc xin lớn trên thế giới.

Theo nhà phân tích và nghiên cứu chính trị Manisha Priyam, lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ chỉ có hiệu quả nếu Ấn Độ có thể đảm bảo việc hỗ trợ y tế phù hợp cho bệnh nhân.

Bà Priyam cho rằng tình hình dịch bệnh Ấn Độ tại thời điểm này đã trở nên nghiêm trọng đến mức một lệnh phong tỏa toàn quốc cũng sẽ là vô nghĩa. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ vẫn có thể tính đến biện pháp phong tỏa từng bang để "đánh" vào các "điểm nóng" dịch bệnh.

"Trước hết, chính phủ trung ương cần đóng vai trò hỗ trợ trong việc cung cấp ôxy cho các bang và giám sát việc quản lý nguồn ôxy", bà Priyam nhận định.