Vì sao Afghanistan "thất thủ" quá nhanh trước Taliban?
(Dân trí) - Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng an ninh của Afghanistan đã để mất hàng loạt thành phố chiến lược vào tay của Taliban - một sự thất bại khiến người dân Afghanistan và những người ủng hộ họ bị sốc.
Theo New York Times, chỉ trong vòng vài ngày qua, lực lượng an ninh của Afghanistan đã bị đánh bại hoặc thậm chí đầu hàng mà chưa cần giao tranh ở hơn 15 thành phố trước đà tiến công của Taliban. Hôm 13/8, giới chức Afghanistan xác nhận, trong số các thành phố đã rơi vào tay của Taliban có hai thủ phủ đặc biệt quan trọng gồm Kandahar và Herat.
Đà tiến công áp đảo của Taliban đã khiến lực lượng an ninh Afghanistan đầu hàng hàng loạt. Taliban cũng chiếm giữ nhiều trực thăng và số trang thiết bị, vũ khí trị giá hàng triệu USD mà Mỹ đã cung cấp cho Afghanistan. Ở một số thành phố, giao tranh nổ ra quyết liệt nhiều tuần tại các khu vực ngoại ô, nhưng cuối cùng Taliban vẫn phá vỡ các tuyến phòng thủ, tiến vào và kiểm soát thành phố mà không có hoặc có rất ít sự kháng cự.
Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã đổ hàng chục tỷ USD vào Afghanistan trong suốt 15 năm qua để trang bị vũ khí, huấn luyện cho lực lượng an ninh ở đây. Thậm chí, mục tiêu xây dựng một lực lượng an ninh tinh nhuệ và độc lập cho Afghanistan từng là một trong những ưu tiên chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tìm đường giúp quân đội Mỹ rút lui khỏi quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, mục tiêu đó đã thất bại.
Sự rệu rã của lực lượng an ninh Afghanistan
Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan có khoảng 300.000 người, nhưng những ngày gần đây cho thấy con số thực tế chỉ khoảng 1/6. Sự rệu rã của lực lượng an ninh Afghanistan đã thể hiện rõ từ những tiền đồn ở vùng nông thôn, nơi nhiều binh sĩ cảnh sát bị nợ lương. Họ bị Taliban bao vây và được hứa hẹn rút đi an toàn nếu đồng ý đầu hàng, hạ vũ khí. Tình trạng này dần dần giúp cho Taliban ngày càng mở rộng quyền kiểm soát các tuyến đường và tiến đến kiểm soát cả khu vực. Khi những tiền đồn "thất thủ", lực lượng an ninh Afghanistan gần như đều viện lý do không có yểm trợ trên không hay cạn kiệt trang thiết bị và lương thực.
Nhiều binh sĩ và cảnh sát bày tỏ sự bất bình với giới lãnh đạo khi tình trạng tham nhũng xảy ra tràn lan. Họ than phiền về việc không được trả lương, thiếu thốn lương thực, đạn dược và bị các chỉ huy bỏ lại bảo vệ các trạm kiểm soát, căn cứ đã bị lộ. Trong các cuộc phỏng vấn, họ cũng chia sẻ về sự tuyệt vọng và cảm giác bị bỏ rơi.
Abdul Haleem, một sĩ quan cảnh sát 38 tuổi ở chiến tuyến Kandahar, đầu tháng này chia sẻ: "Làm sao chúng tôi có thể đánh bại Taliban với số đạn dược này". Cùng ngày, khẩu đại liên hạng nặng của đơn vị Haleem cũng bị hỏng.
Cũng theo New York Times, tại một chiến tuyến ở thành phố Kandahar, sau nhiều tuần chiến đấu, khẩu phần ăn dành cho một đơn vị cảnh sát ở đây chỉ là thùng các-tông chứa đầy khoai tây. Cơn đói và sự mệt mỏi đeo bám họ, khiến một sĩ quan phải hét lên: "Những món khoai tây chiên sẽ không giữ được những chiến tuyến này".
Khi Taliban bắt đầu đẩy mạnh đà tiến công hồi cuối tháng 5 sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng này tìm cách khiến các thành viên an ninh Afghanistan tin rằng không đáng để chiến đấu và hy sinh cho chính quyền Afghanistan. Ở một số nơi, lực lượng an ninh đã nhanh chóng đầu hàng Taliban mà chưa hề chiến đấu.
Trong bối cảnh Taliban đã giành quyền kiểm soát 2/3 lãnh thổ đất nước, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã họp khẩn với các lãnh đạo địa phương và các đối tác quốc tế. Ông Ghani cho biết, ông đang tham khảo ý kiến của các quan chức chính phủ, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo quốc tế, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên của ông vẫn là củng cố lực lượng an ninh, quốc phòng của đất nước.