Vấn đề Biển Đông: Đức nói xong, cả EU lên tiếng
Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/10 lên tiếng ủng hộ Washington về cuộc tuần tra ở Biển Đông vừa qua.
Động thái này có thể ảnh hưởng tới các quyết định của EU với Bắc Kinh tại hội nghị các ngoại trưởng Á-Âu (ASEM) vào tuần tới.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 30/10, một quan chức cấp cao của EU thẳng thắn thể hiện sự ủng hộ đối với Washington: “Mỹ đang thực thi tự do hàng hải".
Một phát ngôn viên của Hải quân Mỹ trước đó nhấn mạnh rằng cuộc tuần tra là một phần trong các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ nhằm “bảo vệ các quyền lợi, quyền tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận cho tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế”.
Quan chức EU nói trên cho biết tổ chức này lo ngại kế hoạch của Bắc Kinh nhằm xây dựng các đảo nhân tạo mới ở biển Đông. Sự lên tiếng này của EU được cho là sẽ nhận được sự hoan nghênh của nhiều quốc gia châu Á khác đang kiên quyết phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ điều tàu chiến USS Lassen vào vùng 12 hải lý quanh một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa hôm 27-10. Trong ảnh là tàu USS Lassen tập trận hồi tháng 5-2015. (Ảnh: EPA)
“Mặc dù không đứng về bên nào trong tranh chấp biển Đông nhưng EU cam kết ủng hộ một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc”, một phát ngôn viên ngoại giao của EU cho biết trong một tuyên bố.
Phát ngôn nói trên thể hiện lập trường thẳng thắn và khách quan của EU dù tổ chức này đã và đang tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, với kỳ vọng thu hút các nguồn vốn của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khối và đang đàm phán một thỏa thuận thương mại và đầu tư song phương.
Cũng liên quan đến vấn đề biển Đông, trước tiếng nói của EU một ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhắc nhở Trung Quốc về các động thái ở Biển Đông và tỏ ý nhắc Trung Quốc hướng cuộc tranh chấp ở tòa án quốc tế.
Trong bài phát biểu tại Bắc Kinh hôm 29/10, bà Merkel cho rằng tranh chấp ở Biển Đông là một "cuộc xung đột nghiêm trọng".
"Tôi cảm thấy có chút bất ngờ khi trong trường hợp này, tòa án đa quốc gia lại không được lựa chọn để tìm ra giải pháp", Reuters dẫn lời thủ tướng Đức nói. "Dẫu vậy, chúng tôi mong rằng các tuyến thương mại trên biển vẫn tự do và an toàn, vì chúng có ý nghĩa quan trọng với tất cả mọi người".
Đây cũng là lời tuyên bố đầu tiên của bà Merkel chỉ rõ Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Theo Thanh Giang (Tổng hợp)