1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ván cược của phương Tây khi tung "vũ khí" dầu mỏ với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phương Tây áp giá trần lên dầu mỏ Nga nhằm gây áp lực để Moscow giảm ngân sách cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng họ cũng đối mặt với hệ lụy tiềm tàng từ động thái này.

Ván cược của phương Tây khi tung vũ khí dầu mỏ với Nga - 1

Nhà máy dầu ở Nizhnekamsk, Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga (Ảnh: Reuters).

Biện pháp áp giá trần dầu mỏ của Nga của G7, EU và Australia đã có hiệu lực từ ngày 5/12 trong một nỗ lực nhằm khiến Moscow bị giảm doanh thu từ mặt hàng chủ lực để duy trì chiến sự ở Ukraine.

Phương Tây cho phép dầu của Nga được vận chuyển đến các nước bên thứ 3 bằng cách sử dụng tàu chở dầu các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng của G7 và EU, với điều kiện là giá dầu của Nga chỉ được thấp hơn hoặc bằng giá với giá trần, 60 USD/thùng.

Vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới có trụ sở tại các nước G7, nên phương Tây tin rằng, mức trần này có thể khiến Moscow khó bán dầu với giá cao hơn.

Mục tiêu của phương Tây là muốn Nga bị giảm doanh thu từ việc xuất khẩu dầu mỏ, nhưng không khiến Moscow bị lỗ để họ vẫn tiếp tục sản xuất mặt hàng này. Phương Tây tin rằng với mức giá 60 USD, Nga vẫn sẽ thu được lợi nhuận từ xuất khẩu dầu, nhưng thấp hơn trước đó.

Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, có vai trò rất quan trọng trong ngành năng lượng toàn cầu nên nếu họ giảm nguồn cung, thị trường có thể đối mặt với cú sốc lớn.

Tuy nhiên, Nga ngày 4/12 tuyên bố sẽ không chấp nhận mức giá trần, khẳng định họ chỉ bán theo giá thị trường. Nga thậm chí khẳng định có thể cắt giảm sản xuất dầu thô.

Giá dầu thô toàn cầu đã tăng 2,6% hôm 5/12 khi các nhà đầu tư lo lắng chờ đợi diễn biến tiếp theo của cuộc đối đầu giữa Nga - phương Tây.

Kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga đã bị phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt. Mặc dù vậy, nền kinh tế của Nga vẫn tương đối vững vàng nhờ lợi nhuận tăng trưởng từ năng lượng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong tháng 10, Nga đã xuất khẩu 7,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, chỉ thấp hơn 400.000 thùng so với mức trước chiến sự. Doanh thu từ dầu thô và các sản phẩm tinh chế hiện ở mức 560 triệu USD mỗi ngày.

Dù phương Tây đã cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga, nhưng 2 cường quốc kinh tế là Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng cường mua mặt hàng này từ Moscow. Điều này khiến các biện pháp trừng phạt và cô lập của phương Tây không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Tính toán của Nga

Động thái áp giá trần dầu của Nga của phương Tây đã khiến giới quan sát hoài nghi về tính khả thi.

Tiến sĩ Mamdouh G. Salameh, chuyên gia về năng lượng, dự đoán: "Việc phương Tây áp giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga là không thể thực thi được. Nga, thị trường dầu mỏ toàn cầu và (nhóm các nhà xuất khẩu dầu lớn hàng đầu thế giới) OPEC+ sẽ từ chối thực hiện. Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang bất kỳ quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào áp giá trần. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên thị trường và giá dầu tiếp tục tăng, với giá dầu thô Brent tăng lên 100-110 USD một thùng trước cuối năm nay".

Ngân hàng Mỹ BofA cũng dự đoán dầu Brent sẽ tăng lên 110 USD mỗi thùng vào năm 2023. Theo ước tính của BofA, việc Nga từ chối bán dầu cho các bên áp giá trần có thể dẫn đến việc xuất khẩu dầu thô giảm tới một triệu thùng mỗi ngày.

Một yếu tố tác động tới sự thành bại của việc áp giá trần dầu của Nga là tính toán của OPEC+.

Theo Bloomberg, một số nhà sản xuất dầu của OPEC+ như Ả rập Xê út hay Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) - các đồng minh của Mỹ, đều cho rằng vấn đề năng lượng không nên bị chính trị hóa. Vì vậy, họ vẫn coi Nga là một đối tác quan trọng về dầu mỏ. Nga đóng góp 11 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 10% tổng sản lượng toàn cầu và việc thay thế nguồn cung từ Nga là rất khó.

Ông Salameh dự đoán, OPEC+ đang quan sát phản ứng của thị trường với việc áp giá trần dầu của Nga và sẽ sớm hành động. Liên minh đang mong muốn giá dầu thô tăng lên và họ đã cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 11 để đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định.

Ông Salameh cảnh báo, trong kịch bản thị trường thế giới không phản ứng với mức giá trần G7 đặt ra, OPEC+ thậm chí có thể cắt giảm tiếp sản lượng để đạt được mục đích.

Chuyên gia chính trị Tom Luongo, nói: "Chắc chắn giá dầu sẽ tăng". Ông cảnh báo, một làn sóng lạm phát lớn hơn có thể xảy ra vào năm 2023 vì giá năng lượng tăng, nguồn cung lương thực bị gián đoạn do chiến sự.

Mặt khác, theo ông Salameh, Nga không thiếu khách hàng mua dầu. Nga cũng sở hữu một đội tàu vận tải lớn để đưa dầu đi khắp thế giới và không cần phụ thuộc vào đội tàu hay công ty bảo hiểm của phương Tây. 

"Kể cả Nga bán ít dầu hơn, lợi nhuận của họ thu về có lẽ không giảm nhiều vì giá dầu tăng. Vì vậy, nếu biện pháp áp trần dầu Nga có mục tiêu là làm giảm doanh thu của Moscow, thì tôi cho rằng, nó sẽ không thành công", ông Salameh nói.

"Bản đồ vận chuyển dầu mỏ thế giới sẽ thay đổi. Năng lượng từng chảy sang phương Tây giờ sẽ chảy sang phương Đông và phía nam bán cầu. Trung Quốc và Ấn Độ đang lấp vào chỗ trống. Dầu của Nga có thể sẽ chảy vào các kho chứa ở một bên thứ 3 rồi lại được chuyển tới các nhà máy lọc dầu của EU", chuyên gia Luongo dự đoán châu Âu có thể sẽ phải chịu mức giá cao hơn.

Theo ông Salameh, châu Âu sẽ có thể là bên chịu nhiều thiệt hại nhất, khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động sâu rộng tới khu vực này.

Theo Reuters, Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine