1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Ván cờ” Trung Đông trong chiến lược của Tổng thống Putin

(Dân trí) - Chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Ả rập Xê út tuần này được xem là động thái cân bằng chiến lược rủi ro của Nga và hé lộ chiến lược của Moscow tại Trung Đông.

“Ván cờ” Trung Đông trong chiến lược của Tổng thống Putin - 1

Tổng thống Vladimir Putin gặp Thái tử Ả rập Xê út tại hội nghị G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Vladimir Putin sẽ tới Ả rập Xê út hôm nay 14/10, đánh dấu chuyến thăm thứ hai của nhà lãnh đạo Nga tới quốc gia Trung Đông này kể từ năm 2007. Vài ngày trước đó, Ả rập Xê út đã phớt lờ đề xuất của ông Putin về việc mua các hệ thống phòng không của Nga. Thậm chí mới đây, Ả rập Xê út chấp thuận để Mỹ triển khai khoảng 3.000 binh sĩ trên lãnh thổ nước này.

Những động thái trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ả rập Xê út vẫn nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ, ít nhất trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Tuy vậy, Nga dường như không quay lưng với Ả rập Xê út. Thay vào đó, mối quan hệ giữa Moscow và Riyadh chưa bao giờ tốt đẹp đến thế.

Tổng thống Putin được nhìn thấy trò chuyện thân mật với Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman tại các hội nghị quốc tế. Ông Putin cũng từng ca ngợi mối quan hệ cá nhân gần gũi với cả Thái tử và Quốc vương Ả rập Xê út.

Tình hữu nghị Nga - Ả rập Xê út thể hiện rõ trong lĩnh vực kinh tế. Kim ngạch thương mại giữa hai nước, dù vẫn tương đối thấp nhưng cũng đang gia tăng nhanh chóng, từ 15% năm 2018 lên 38% năm 2019. Ngoài ra, hai nước cũng trao đổi về dự án cơ sở dầu khí chung trị giá 1 tỷ USD và các thỏa thuận đầu tư khác dự kiến được ký trong tuần này.

Trong khi đó, Nga cũng là đồng minh với Iran - đối thủ số một của Mỹ trong khu vực. Ả rập Xê út đã đổ lỗi cho Iran gây ra vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu của nước này hồi tháng trước, đồng thời cho phép quân đội Mỹ đồn trú để ngăn chặn mối đe dọa từ Iran.

Ả rập Xê út đang dẫn đầu chiến dịch quân sự chống lại nhóm phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen. Ả rập Xê út đứng ở bên kia chiến tuyến với Nga trong cuộc nội chiến tại Syria, khi Riyadh hỗ trợ cho các phiến quân nổi dậy chống chính quyền Syria, còn Moscow hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thời điểm đột phá quan hệ?

Điều đáng lưu ý là Nga đang phát triển mối quan hệ ngày càng tốt hơn với Ả rập Xê út so với thời điểm cách đây 20 năm, khi Tổng thống Putin vừa “thừa kế” một nước Nga với nền kinh tế gặp khủng hoảng và tập trung quá nhiều vào các vấn đề nội tại khiến nước này khó đóng vai trò quyết đoán trên trường quốc tế. Ngay cả khi Nga và Ả rập Xê út không chung lập trường trong cuộc chiến tại Syria, nhưng Quốc vương Ả rập vẫn tới thăm Moscow vào năm 2017 để giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra.

Không ai nghĩ rằng tầm ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông sẽ tăng lên, nhưng rốt cuộc Moscow vẫn mở rộng ảnh hưởng, một phần bởi cuộc khủng hoảng tại Syria. Dấu ấn của Nga tại Trung Đông rõ ràng đang gia tăng, và Ả rập Xê út đã nhận ra cơ hội thắt chặt quan hệ với một cường quốc trỗi dậy như Nga.

“Những gì thay đổi trong suốt những năm qua là ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông. Tầm ảnh hưởng này đã gia tăng rất nhiều và nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ đã thắt chặt quan hệ với Nga trong những năm qua, đồng thời chấp nhận Nga như một “người chơi” trong khu vực”, Ammar Waqqaf, nhà sáng lập kiêm giám đốc Gnosos, một tổ chức nghiên cứu về Syria và Trung Đông, nhận định.

Ả rập Xê út thắt chặt quan hệ đối tác với Nga trong khuôn khổ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước sản xuất dầu mỏ lớn (OPEC+), nhằm duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Đây cũng là điều mà Tổng thống Putin nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn trước thềm chuyến thăm Ả rập Xê út.

Theo chuyên gia Waqqaf, ngoài hợp tác về dầu khí, “nhiều nước cũng đang cân nhắc mua vũ khí của Nga”. Tuy vậy, nhà báo Ali Rizk tại Trung Đông cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để bàn về việc liệu Ả rập Xê út có mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 hiện đại của Nga hay không.

Ali Rizk cho rằng “mối quan hệ giữa Ả rập Xê út với Mỹ và với Quốc hội Mỹ vẫn rất tệ” sau vụ nhà báo Ả rập Xê út Jamal Khashogi bị sát hại tại lãnh sự quán Ả rập Xê út ở Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi không nghĩ Ả rập Xê út sẽ chấp nhận rủi ro khi khiến tình hình trở nên xấu đi bằng cách mua các vũ khí (của Nga)”, Ali Rizk nhận định.

Theo Grigory Lukyanov, giảng viên tại Trường Kinh tế ở Moscow, việc mua các hệ thống phòng không của Nga đồng nghĩa với việc Ả rập Xê út phải thay hệ thống phòng không của Mỹ đang được triển khai tại nước này.

“Kế hoạch này không chỉ đắt đỏ, mà còn là quyết định mang tính địa chính trị, nên tôi không nghĩ Ả rập Xê út có thể đưa ra quyết định đó bây giờ, mặc dù hệ thống phòng không hiện tại Mỹ vẫn còn nhiều lỗi”, Lukyanov nói.

Nga là bạn của các nước Trung Đông

Các chuyên gia đồng tình rằng, với vị thế là bạn của tất cả các nước ở Trung Đông, Nga giữ vai trò hoàn hảo trong việc làm trung gian hòa giải cho mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Ả rập Xê út. Tuy vậy, Tổng thống Putin không mấy mặn mà với vai trò trung gian. Ông chủ Điện Kremlin không muốn can dự vào chính trị khu vực nếu điều đó không ảnh hưởng trực tiếp tới Nga hay các cơ hội của Moscow.

“Bởi vì chúng tôi duy trì quan hệ rất thân thiết với tất cả các nước trong khu vực, bao gồm Iran và các nước Ả rập như Ả rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, nên chúng tôi chắc chắn có thể giúp chuyển một số thông điệp giữa các bên để họ có thể lắng nghe quan điểm của nhau. Nhưng, vì cá nhân tôi đều biết lãnh đạo của các nước này, nên tôi chắc chắn rằng họ không có nhu cầu xin lời khuyên hay trung gian”, ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 13/10.

Theo Tổng thống Nga, điều ông sẵn sàng làm là “đưa ra một số ý kiến từ góc độ một người bạn”.

Tổng thống Putin từng ca ngợi mối quan hệ quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển hệ thống S-400 cho Ankara vào đầu mùa hè năm nay và khẳng định “các cuộc đàm phán đang diễn ra” liên quan tới việc mua bán các vũ khí mới. Cùng thời điểm đó, Nga ủng hộ chính quyền Syria, lực lượng chiến đấu với các nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí.

Nga duy trì mối quan hệ gần gũi với cả Israel và Iran, mặc dù Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thường coi Iran như một mối đe dọa hạt nhân, còn Iran cũng kêu gọi tẩy chay nhà nước Do Thái. Do vậy, điều Tổng thống Putin muốn thể hiện trong chuyến đi tới Ả rập Xê út lần này đó là vai trò đáng tin cậy của Nga đối với các nước trong khu vực.

Thành Đạt

Tổng hợp