1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ván cờ “được - mất” của Trung Quốc nếu giúp ông Trump điều tra đối thủ

(Dân trí) - Nếu Trung Quốc chấp thuận đề nghị của Tổng thống Donald Trump về việc điều tra cựu phó Tổng thống Joe Biden và con trai của ông này, Bắc Kinh đã phá vỡ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Ván cờ “được - mất” của Trung Quốc nếu giúp ông Trump điều tra đối thủ - 1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump ngày 3/10 bất ngờ đưa ra tuyên bố rằng, “Trung Quốc nên bắt đầu một cuộc điều tra cha con Biden bởi vì những gì xảy ra ở Trung Quốc cũng tồi tệ như những gì đã xảy ra ở Ukraine". Cựu Phó Tổng thống Joe Biden hiện là đối thủ nặng ký của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm sau.

Đề nghị của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh ông đang chịu sức ép từ cuộc điều tra luận tội của Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Hạ viện Mỹ quyết định mở cuộc điều tra đối với người đứng đầu chính phủ, sau khi một quan chức tình báo Mỹ gửi thư tố giác ông Trump vì cuộc điện đàm gây quan ngại giữa ông và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong cuộc điện đàm hôm 25/7 này, Tổng thống Trump đã đề nghị Tổng thống Zelensky điều tra tham nhũng đối với ông Biden và con trai Hunter. Theo cáo buộc của đảng Dân chủ, đề nghị này của Tổng thống Trump cho thấy ông mượn yếu tố nước ngoài để hạ bệ đối thủ chính trị trước thềm bầu cử tổng thống.

Các chuyên gia về Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh được lợi rất ít nếu đồng ý giúp ông Donald Trump “hạ bệ” đối thủ chính trị Joe Biden, ngay cả khi Trung Quốc đang rất muốn chấm dứt cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trung Quốc từ lâu vẫn công khai theo đuổi chính sách không can thiệp vào công việc chính trị của các nước khác. Theo Jeffrey Bader, trợ lý đặc biệt của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama về an ninh quốc gia và là cố vấn hàng đầu về châu Á, Bắc Kinh “không muốn bị dính líu hoặc bị cho là có liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”.

Tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhiều lần đề cập tới vấn đề này.

“Trung Quốc sẽ không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ, và chúng tôi tin rằng người Mỹ có đủ khả năng để giải quyết vấn đề của họ”, ông Vương Nghị cho biết.

Theo Victor Shih, chủ tịch trung tâm Quan hệ Thái Bình Dương và Trung Quốc tại Đại học California San Diego, Trung Quốc có thể tìm cách gợi ý về việc trao đổi thông tin mà phía Mỹ cần để đổi lại sự nhượng bộ về chính sách, nếu đó là thông tin gây bất lợi.

Tuy nhiên, ông Shih cho rằng sẽ là phù hợp hơn nếu Trung Quốc giữ kín các thông tin tiêu cực mà có thể ảnh hưởng tới đối thủ của ông Trump “để không làm tăng cơ hội tái đắc cử” của ông chủ Nhà Trắng.

“Rốt cuộc, ông Trump đã gây xáo trộn quan hệ thương mại Mỹ - Trung hơn bất kỳ tổng thống nào kể từ thời (Tổng thống) Nixon”, ông Shih nhận định.

Hunter Biden từng bay tới Trung Quốc với cha trên chuyên cơ Không Lực Hai vào năm 2013 khi ông Biden vẫn đang giữ chức phó tổng thống Mỹ. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài tháng sau khi Hunter trở thành một thành viên trong ban điều hành của một quỹ đầu tư cùng với một giám đốc công ty tư nhân Trung Quốc.

Theo thông tin từ cuốn sách có tựa đề “Những đế chế bí mật” của tác giả Peter Schweizer, 10 ngày sau khi ông Biden tới Trung Quốc, “công ty của Hunter Biden đã giành hợp đồng 1,5 tỷ USD với một công ty con của Ngân hàng Trung Quốc”.

Hunter Biden đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc về các hành vi sai trái có liên quan tới Trung Quốc.

“Trung Quốc có thể nôn nóng muốn giúp ông Trump và giành được một thỏa thuận thương mại tốt hơn, nhưng tôi không chắc về việc họ sẽ can thiệp trực tiếp vào chính trị Mỹ. Họ biết rõ những rủi ro, bao gồm việc “đặt cược sai cửa””, Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.

Tác động tới cuộc chiến thương mại

Ván cờ “được - mất” của Trung Quốc nếu giúp ông Trump điều tra đối thủ - 2

Phó tổng thống Joe Biden bước ra từ chuyên cơ cùng con trai Hunter Biden và cháu gái tại Trung Quốc tháng 12/2013 (Ảnh: AP)

Các chuyên gia thương mại cho rằng đề xuất của Tổng thống Trump là hướng đi cho một chính sách thương mại tồi tệ. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Washington vào tuần tới để đàm phán một thỏa thuận đình chiến cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo nguồn tin có liên quan tới đàm phán thương mại Mỹ - Trung, phát ngôn của Tổng thống Trump được xem là nỗ lực để kết nối giữa đàm phán thương mại và chính trị nội bộ.

“Việc trộn lẫn giữa chính trị nội bộ của chúng ta (Mỹ) với những lo ngại chính đáng về các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc không phải là hướng đi tốt để có thể đạt được một thỏa thuận lớn”, nguồn tin cho biết.

Trong giai đoạn chiến tranh thương mại leo thang, các quan chức Trung Quốc hiếm khi đưa ra phản ứng trước những lời chỉ trích của Tổng thống Trump.

“Chiến lược của Trung Quốc đối phó với ông Trump không phải là thông qua một cuộc khẩu chiến mà là theo đuổi những lợi ích của họ một cách rất kiên quyết, đó là lý do đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra”, Evan Medeiros, giáo sư tại Đại học Georgetown và là cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.

Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng đề xuất của Tổng thống Trump có thể được đưa ra cân nhắc. Nếu dựa trên năng lực giám sát lâu nay của Bắc Kinh, giới chức Trung Quốc có thể đã nắm rõ mọi hoạt động cũng như thương vụ kinh doanh liên quan tới Trung Quốc của Hunter Biden. Chính quyền Trung Quốc vốn có truyền thống theo dõi chặt chẽ các hoạt động của người nước ngoài tại Trung Quốc.

Theo một cựu quan chức Mỹ, nếu Tổng thống Trump thực sự nghiêm túc về việc nhờ Trung Quốc điều tra ông Biden, ông chủ Nhà Trắng có thể thuyết phục Bắc Kinh bằng cách đưa ra cam kết về sự hợp tác của Mỹ với nỗ lực của Trung Quốc trong quá trình dẫn độ hàng chục tội phạm tham nhũng về nước theo chiến dịch “Lưới Trời”.

Mỹ từ lâu vẫn chần chừ trong việc dẫn độ các nghi phạm Trung Quốc tham nhũng về nước, trong đó phần lớn là các trường hợp bị cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ và biển thủ công quỹ. Washington lo ngại về sự thiên vị của hệ thống tư pháp Trung Quốc cũng như sự công bằng trong các cáo buộc do Bắc Kinh đưa ra.

Thành Đạt

Theo Reuters