1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Uy lực chiến hạm Hải quân Mỹ áp sát đảo nhân tạo

(Dân trí) - Là chiến hạm thuộc lớp Arleigh Burke, chiến hạm USS Lassen vừa được Hải quân Mỹ điều áp sát đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông có hỏa lực mạnh, với các tên lửa hành trình Tomahawk cùng nhiều vũ khí hiện đại khác.

USS Lassen trong chuyến ghé thăm Hàn Quốc năm 2013 (Ảnh: Getty)
USS Lassen trong chuyến ghé thăm Hàn Quốc năm 2013 (Ảnh: Getty)

USS Lassen trong cuộc tập trận bắn đạn thật hồi năm 2014

Được chính thức đặt tên ngày 6/11/1999 và đưa vào biên chế tháng 4/2001, USS Lassen mang tên của thiếu úy hải quân Mỹ Clyde Everett Lassen.

Ông Lassen được nhận huân chương danh dự của quốc hội Mỹ vì hành động dũng cảm trong cuộc tìm kiếm cứu nạn hai đồng đội, bị nạn cùng trực thăng khi tham chiến tại Việt Nam năm 1968. Lassen là phi công đầu tiên của hải quân Mỹ được trao tặng huân chương này.

USS Lassen có chiều dài 155m, rộng 20,4m, cao 9,3m với lượng giãn nước toàn tải 9200 tấn. Được trang bị hệ thống đẩy gồm 4 động cơ turbine gas General Electric LM 2500, tổng công suất 100.000 mã lực, tàu có thể đạt vận tốc 30 hải lý/giờ.

Hệ thống ngư lôi 3 ống phóng Mk-32 khai hỏa (Ảnh: Wiki)
Hệ thống ngư lôi 3 ống phóng Mk-32 khai hỏa (Ảnh: Wiki)

Thuộc lớp tàu khu trục hiện đại nhất của hải quân Mỹ, USS Lassen sở hữu cả năng lực phòng thủ và tấn công có thể tham gia nhiều loại nhiệm vụ. Tàu có thể hoạt động độc lập hoặc trong các nhóm tàu sân bay tấn công, nhóm tàu tấn công mặt nước, nhóm tàu đổ bộ hoặc nhóm tiếp vận.

Hệ thống hỏa lực, radar, tác chiến điện tử trên tàu được trang bị tương ứng, với khả năng tác chiến phòng không, chống ngầm và đối hạm. Với hệ thống ống phóng thẳng đứng MK-41, năng lực tấn công của các tàu lớp Arleigh Burke được đánh giá rất mạnh mẽ và linh hoạt.

Trong đó, trung tâm của năng lực chiến đấu xoay quanh hệ thống vũ khí AEGIS (AWS). AWS bao gồm radar mạng pha đa năng SPY-1D, các hệ thống vũ khí đối không, đối hạm, hệ thống ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS), và hệ thống vũ khí trứ danh Tomahawk.

Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41 trên các tàu lớp Arleigh Burke (Ảnh: Defense)
Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41 trên các tàu lớp Arleigh Burke (Ảnh: Defense)

Trong đó hệ thống VLS gồm 90 ống phóng, có thể phóng nhiều loại tên lửa khác nhau, từ loại tiêu chuẩn, tới tên lửa hành trình Tomahawk và các tên lửa phóng thẳng đứng ASROC. Các vũ khí khác bao gồm tên lửa hành trình đối hạm Harpoon, đại bác 5"/54 với những cải tiến giúp có thể tích hợp với hệ thống vũ khí AEGIS, hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx 20mm được trang bị để phòng thủ.

Ngoài ra, tàu cũng được trang bị hai bộ phóng ngư lôi Mk-32, với 3 ống phóng/bộ, 2 hệ thống súng máy Mk 38 Mod 2 25mm, hai trực thăng SH-60 (LAMPS 3).

Hiện hải quân Mỹ đang có trong biên chế 62 chiến hạm lớp Arleigh Burke và đang tiếp tục bổ sung thêm hơn 14 chiếc nữa.

Hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx trên USS Lassen được thử nghiệm (Ảnh: Navy)
Hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx trên USS Lassen được thử nghiệm (Ảnh: Navy)

Theo tờ The Diplomat tại Tokyo, hồi tuần trước USS Lassen đã cập cảng tại Kota Kinabalu để ghé thăm Malaysia, sau khi hoàn tất một chuyến tuần tra thường kỳ trên Biển Đông.

Thủy thủ đoàn của USS Lassen, với 26 sỹ quan và 268 thủy thủ, được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với các tàu của hải quân Trung Quốc. Theo công bố của sỹ quan phụ trách quan hệ công chúng của USS Lassen, trong chuyến tuần tra gần nhất trên Biển Đông, họ đã chạm trán 3 chiến hạm của Trung Quốc, trong đó có 2 chiếc thuộc lớp tàu hộ vệ Jiangkai-II, và một chiếc thuộc lớp Jianghu.

Thanh Tùng

Tổng hợp

 

Uy lực chiến hạm Hải quân Mỹ áp sát đảo nhân tạo - 5