1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine từ chối nhận lô xe tăng Leopard từ Đức?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Báo Đức đưa tin, Ukraine dường như đã từ chối nhận lô xe tăng Leopard 1A5 từ Berlin, cho rằng chúng không đảm bảo chất lượng và Kiev không thể khắc phục.

Ukraine từ chối nhận lô xe tăng Leopard từ Đức? - 1

Một xe tăng Leopard (Ảnh minh họa: AFP).

Báo Đức Spiegel ngày 19/9 dẫn nguồn tin cho biết, Ukraine đã không nhận lô 10 xe tăng Leopard 1A5 mà Berlin gửi sang vì cho rằng chúng cần sửa chữa nhưng Kiev không thể thực hiện được việc này.

Theo nguồn tin, Ukraine dường như đã thông báo cho Đức rằng lô xe Leopard đã đến Ba Lan cần phải trải qua đại tu.

Đức được cho là đã cử chuyên gia đến Ba Lan để kiểm tra các vũ khí. Spiegel cho hay, theo kết luận từ chuyên gia, những chiếc xe tăng này đã gặp phải trục trặc lớn khi chúng được dùng trong quá trình huấn luyện binh sĩ Ukraine tại Đức.

Một vài chiếc trong số 10 xe Leopard đầu tiên do Đức cung cấp cho Ukraine vào tháng 7 cũng từng gặp phải vấn đề tương tự.

Mặc dù chính phủ Đức tuyên bố chuyển thêm một lô 10 xe tăng khác vào tháng 8 nhưng Đan Mạch cho biết vào tháng 9 rằng chỉ có 10 xe tăng Leopard đã đến Ukraine, trong khi 10 chiếc nữa vẫn đang trên đường vận chuyển.

Bộ Quốc phòng Đức nói với Spiegel rằng họ không thể bình luận về từng trường hợp riêng lẻ, nhưng nói thêm việc sửa chữa xe tăng đang được tiến hành với sự hợp tác của Ukraine.

Đầu năm nay, Đức tuyên bố hợp tác với Đan Mạch và Hà Lan và cam kết cung cấp cho Ukraine khoảng 100 xe tăng Leopard 1 cũ.

Ngoài ra, Đan Mạch và Hà Lan đã đồng ý mua và tặng 14 xe tăng Leopard 2 từ nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức cho Ukraine. Hai nước trước đó đã đồng ý giao những chiếc xe tăng nói trên vào "đầu năm 2024".

Vào tháng 8, Đức ủy quyền cho Rheinmetall mua và tân trang khoảng 30 xe tăng Leopard 1 cho Ukraine. Ngày 19/9, Đan Mạch cho biết sẽ gửi thêm 45 xe tăng tới Ukraine, trong đó có 15 xe tăng T-72EA và 30 xe tăng Leopard 1.

Hồi tháng 8, chuyên gia Earl Rasmussen, trung tá lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định màn trình diễn chưa hiệu quả của xe tăng Leopard trên tiền tuyến có thể làm ảnh hưởng tới danh tiếng của nhà sản xuất Rheinmetall.

Trước khi Leopard được chuyển cho Ukraine, phương Tây kỳ vọng xe tăng này có thể giúp "thay đổi cuộc chơi", nhưng theo ông Rasmussen, điều này dường như chưa xảy ra.

Theo truyền thông Mỹ, dựa trên dữ liệu của Ukraine, Kiev đã nhận được 71 xe tăng Leopard 2 mà phương Tây cam kết. Trong số đó, 5 chiếc đã bị phá hủy hoàn toàn và ít nhất 10 chiếc khác bị hư hỏng nặng cần phải được đưa tới cơ sở sửa chữa ở Ba Lan và Đức.

Ukraine được phương Tây hứa hẹn sẽ cung cấp hơn 100 chiếc Leopard với nhiều biến thể khác nhau, phần lớn trong số đó là phiên bản cũ với cấu tạo tháp pháo kém uy lực hơn so với các mẫu đời mới.

Ông Rasmussen nhận định, trong các cuộc xung đột trước đây ở Trung Đông, xe tăng Leopard chưa từng phải đối mặt với điều kiện tác chiến như ở Ukraine. Leopard lần đầu trình làng vào năm 1970 và kể từ đó tới nay, hoạt động tác chiến đã có những sự thay đổi đáng kể.

"Điều kiện tác chiến đã thay đổi, đạn dược cũng đã thay đổi và Leopard cần phải có những thay đổi quy mô lớn. Dựa vào những năng lực quân sự mà Nga sở hữu, tôi không chắc Leopard có thể được xem là vũ khí mang lại thay đổi lớn", ông nhấn mạnh.

Theo ông, khi tham chiến ở Ukraine, Leopard đã xuất hiện các vấn đề như không đủ lớp thiết giáp, súng hoạt động chưa hiệu quả, khả năng cơ động chưa đủ cao. 

Theo Kyiv Independent, Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine