Ukraine tập kích đáp trả, phá hủy nhiều vũ khí hạng nặng của Nga
(Dân trí) - Quân đội Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc tập kích nhằm vào các địa điểm tập trung lực lượng của Nga tại khu vực miền Nam nước này.
Trong một thông cáo được đưa ra hôm 19/10, Bộ Tư lệnh tác chiến phía Nam Ukraine cho biết Không quân Ukraine đã tiến hành 6 cuộc không kích nhằm vào các vị trí tập trung binh lực của quân đội Nga trong ngày. Nhiều tổ hợp phòng không hiện đại Buk-2M, TOR và Pantsir của Nga đã bị hư hỏng sau các cuộc không kích trên.
Cũng theo Bộ Tư lệnh tác chiến phía Nam Ukraine, các trực thăng tấn công Mi-24 và Mi-8 của Ukraine đã tiến hành tấn công vào các cứ điểm của Nga ở vùng Mykolaiv và Kherson. Cuộc tấn công này đã phá hủy 6 xe tăng, 9 xe bọc thép, 2 lựu pháo cỡ nòng 152mm, một phương tiện chỉ huy chiến trường, một UAV cảnh giới, 2 kho đạn cũng như loại khỏi vòng chiến đấu 43 binh sĩ Nga.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận về tuyên bố của quân đội Ukraine.
Các cuộc tập kích trên được xem là đòn đáp trả của Ukraine trước những trận "mưa tên lửa" mà Moscow trút xuống lãnh thổ Ukraine trong tuần qua.
Kể từ sáng ngày 10/10, quân đội Nga đã tiến hành nhiều cuộc tập kích tên lửa hành trình nhằm vào thủ đô Kiev và các thành phố trên khắp lãnh thổ Ukraine để trả đũa hành động đánh bom cầu Crimea mà Moscow cáo buộc Kiev là chủ mưu. Liên tục trong một tuần sau đó, hàng loạt vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) cảm tử đã được Nga thực hiện nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.
Theo ông Oleskii Chernyshov, Bộ trưởng Cộng đồng và Phát triển Lãnh thổ trong chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky, các cuộc tập kích của Nga trong tuần qua đã đánh trúng 408 mục tiêu của Ukraine, trong đó có 45 cơ sở năng lượng cùng 180 tòa nhà dân dụng.
Cơ quan tình trạng khẩn cấp của Ukraine khẳng định Nga đã tiến hành hơn 190 vụ tập kích vào 16 vùng lãnh thổ tại Ukraine kể từ ngày 10/10. Hơn 70 người đã thiệt mạng và 240 người khác bị thương sau đòn tấn công trả đũa dồn dập kể trên.
Hạ tầng năng lượng của Ukraine cũng bị phá hủy nghiêm trọng bởi các cuộc tập kích của quân đội Nga. Tổng thống Zelensky thừa nhận 30% số nhà máy điện tại nước này đã bị hư hỏng, khiến hơn 1.100 thị trấn và khu định cư lâm vào cảnh mất điện và nước.
Chính phủ Ukraine đã buộc phải ra lệnh hạn chế việc sử dụng điện trong phạm vi toàn quốc nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng sau các vụ tập kích của quân đội Nga.
CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE
Tháng 2: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.
Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.
Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.
Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov.
Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.
Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk.
Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.
Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.
Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.
Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.
Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.
Ngày 8/10: Cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm.
Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.