Ukraine ra tối hậu thư, dọa cắt quan hệ với Iran
(Dân trí) - Ukraine ra điều kiện với Iran, cảnh báo cắt đứt quan hệ giữa 2 nước trước nghi vấn Tehran chuyển tên lửa cho Nga.
Kiev ngày 10/9 tuyên bố có thể cắt đứt quan hệ với Tehran nếu Nga sử dụng tên lửa đạn đạo do Tehran cung cấp để tấn công Ukraine. Phía Ukraine cho rằng nếu Iran chuyển tên lửa cho Nga thì điều này là "không thể chấp nhận được".
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Nga đã nhận được tên lửa từ Iran nhưng không nêu bằng chứng cụ thể. Ông nói rằng Nga dự kiến sẽ sử dụng loại vũ khí này trong những tuần tới.
Ukraine, quốc gia liên tục bị tên lửa và máy bay không người lái của Nga tập kích trong thời gian qua, đã cảnh báo rằng sẽ có hậu quả tàn khốc đối với quan hệ song phương của nước này với Iran nếu các nghi vấn nói trên được xác nhận.
"Tôi sẽ không nói chính xác hậu quả tàn khốc có nghĩa là gì, để không làm suy yếu lập trường ngoại giao của chúng tôi. Nhưng tôi có thể nói rằng tất cả các lựa chọn, bao gồm cả lựa chọn mà bạn đã đề cập, đều nằm trên bàn", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heorhiy Tykhyi cho biết, khi được hỏi liệu Kiev có thể cắt đứt quan hệ với Tehran hay không.
Tổng thống Volodymyr Zelensky không đề cập trực tiếp đến Iran trong bài phát biểu tối 10/9, nhưng cam kết sẽ phối hợp để thực hiện một phản ứng mạnh mẽ trên toàn thế giới đối với bất kỳ nước nào giúp đỡ Nga và Tổng thống Vladimir Putin.
"Tôi muốn nói với tất cả mọi người trên thế giới vẫn muốn bằng cách nào đó giúp đỡ ông Putin. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ không chỉ để bảo vệ đất nước và người dân của chúng tôi, mà còn thực sự củng cố thế giới để có những phản ứng mạnh mẽ đối với hành vi kích động chiến tranh hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm kéo dài chiến tranh", ông Zelensky tuyên bố.
Các đồng minh của Ukraine, bao gồm cả Mỹ, cho biết nghi vấn Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga có thể được xem là một sự leo thang đáng kể và họ sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Trong khi mô tả các lệnh trừng phạt như vậy là một "bước đi tích cực", chánh văn phòng tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, nhận định rằng động thái này sẽ là không đủ.
"Chúng tôi cũng cần được phép sử dụng vũ khí phương Tây chống lại các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, cung cấp tên lửa tầm xa hơn và tăng cường hệ thống phòng không của chúng tôi", ông Yermak kêu gọi.
Điện Kremlin vẫn chưa bình luận về cáo buộc của ông Blinken. Hôm 10/9, Nga cho biết đang phát triển đối thoại toàn diện với Iran.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran hôm 10/9 đã mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc từ Mỹ và đồng minh, cho rằng đây là hành vi "tuyên truyền bôi nhọ".
Ukraine đã hạ cấp quan hệ với Iran vào năm 2022 do cáo buộc Tehran cung cấp máy bay không người lái tấn công Shahed cho Nga, loại máy bay mà Moscow gọi là Geran-2.
Nga trước đó nhiều lần tuyên bố họ có nội lực và khả năng sản xuất quốc phòng và có thể tăng tốc chế tạo vũ khí để dùng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.