1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine phản hồi đề xuất của Indonesia về chấm dứt xung đột với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Kiev đã phản hồi kế hoạch hòa bình của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nhằm giải cuộc xung đột Ukraine, trong đó có ý tưởng lập khu phi quân sự.

Ukraine phản hồi đề xuất của Indonesia về chấm dứt xung đột với Nga - 1

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 3/6 (Ảnh: Reuters).

Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La hôm nay 3/6 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Thứ nhất, các bên ngay lập tức ngừng bắn và ngừng hành động thù địch. Thứ hai, mỗi bên rút quân cách vị trí tiền tuyến hiện tại 15km và thiết lập khu phi quân sự. Thứ ba, thành lập một phái bộ gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc để giám sát việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn", ông Subianto nói.

Ông Subianto nói rằng khu phi quân sự nên do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc giám sát. Ông cũng khẳng định Indonesia sẵn sàng đóng góp các đơn vị cho hoạt động gìn giữ hòa bình.

Ông Subianto cũng gợi ý Liên hợp quốc tổ chức trưng cầu dân ý ở "các vùng lãnh thổ tranh chấp" nhằm "xác định một cách khách quan mong muốn của đa số người dân tại các vùng lãnh thổ tranh chấp" về tầm nhìn của họ đối với tương lai.

"Tôi không biết liệu đề xuất của tôi có được chấp nhận hay không, nhưng đây là những khuyến nghị cụ thể nhằm giảm leo thang nhanh nhất có thể và chấm dứt đổ máu trong cuộc xung đột vũ trang này", Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nhấn mạnh.

Các quan chức Ukraine ngay lập tức có động thái phản ứng trước đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Volodymyr V Havrylov bác bỏ đề xuất của bộ trưởng Indonesia về việc thiết lập một khu phi quân sự để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine.

"Chúng tôi sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc mất lãnh thổ của chúng tôi, bao gồm Crimea", ông Havrylov nêu rõ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố không có vùng lãnh thổ tranh chấp nào giữa Ukraine và Nga để tổ chức trưng cầu dân ý ở đó.

"Sau khi thực hiện các hành động thù địch, Nga đã kiểm soát Crimea và một phần của các tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine và Ukraine phải khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của mình trong các vùng biên giới được quốc tế công nhận. Không thể có kịch bản thay thế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko cho biết.

"Một lệnh ngừng bắn, rút quân 15km và thiết lập một khu phi quân sự cũng không hiệu quả. Nga đang nỗ lực bằng mọi cách có thể để phá vỡ cuộc phản công của Ukraine. Một lệnh ngừng bắn mà không có sự rút quân của Nga khỏi lãnh thổ Ukraine sẽ cho phép Nga có thêm thời gian, tập hợp lại lực lượng, củng cố vị trí tại các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát, đồng thời tích lũy sức mạnh cho một làn sóng tấn công mới", quan chức Ukraine nhấn mạnh.

Hồi tháng 3, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Moscow muốn tạo vùng đệm phi quân sự bên trong Ukraine, quanh các khu vực nước này đã sáp nhập. Khu vực này sẽ cấm sử dụng các loại vũ khí tầm ngắn và tầm trung, nghĩa là từ 70-100km.

Ukraine nhiều lần tuyên bố, bất cứ kế hoạch hòa giải nào phải bao gồm việc khôi phục toàn bộ chủ quyền lãnh thổ cho Ukraine theo đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1991. 

Theo Pravda