1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga lên tiếng về cơ hội đàm phán hòa bình với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết không có điều kiện nào để tiến hành cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở thời điểm hiện tại.

Nga lên tiếng về cơ hội đàm phán hòa bình với Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi đã nhiều lần nói về việc đối thoại - không có lựa chọn nào như vậy ở thời điểm hiện tại. Điều đó hiện chưa được tính đến và không có điều kiện tiên quyết nào", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói về tình hình Ukraine hôm 2/6.

Bình luận của ông Peskov được đưa ra sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi không để quân đội Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công, đồng thời hối thúc các bên "ngừng bắn và bắt đầu đàm phán hòa bình".

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, mọi cuộc thảo luận về kế hoạch hòa bình ở Ukraine đều phải tính đến những quan ngại của Nga.

Khi được hỏi về nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine, ông Peskov cho biết: "Chúng tôi rất tiếc phải nói rằng điều này cho thấy sự thiếu chuẩn bị, không sẵn sàng và không có khả năng của chính quyền Kiev trong việc giải quyết các vấn đề hiện có trên bàn đàm phán".

"Tư cách thành viên của Ukraine trong NATO là một trong những yếu tố gây khó khăn chính và sẽ là một vấn đề tiềm ẩn trong nhiều năm nữa. Nhiều quốc gia EU nhận thức rõ về điều này, nhưng thật không may, Washington là nước dẫn đầu trong NATO. EU chỉ đơn giản là một nhạc cụ trong dàn nhạc này", ông Peskov nói thêm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 1/6 tái khẳng định mong muốn của Ukraine trở thành một phần của liên minh quân sự NATO. Ông Zelensky kêu gọi NATO cung cấp các đảm bảo an ninh nếu hiện tại Ukraine không thể trở thành thành viên của khối.

"Liên bang Nga sẽ đảm bảo lợi ích và an ninh của mình. Điều này có nghĩa là không còn việc mở rộng NATO cũng như việc liên minh này tiếp cận trực tiếp biên giới của chúng tôi", ông Peskov nhấn mạnh.

Các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008 rằng Ukraine và Gruzia một ngày nào đó sẽ trở thành thành viên của NATO. Tuy nhiên, cho đến nay, không có lộ trình cụ thể hoặc tiến độ nào được công bố về việc đưa Ukraine đến gần hơn với NATO.

Trong một diễn biến có liên quan, Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Âu - Á Lý Huy hôm 2/6 cho biết nguy cơ khủng hoảng Ukraine leo thang vẫn "ở mức cao, nhưng các bên liên quan "chưa đóng hoàn toàn cánh cửa đàm phán".

"Tất cả các bên phải thực hiện các biện pháp cụ thể để hạ nhiệt tình hình và đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân", ông Lý nói.

Ông Lý cũng nói rằng "Trung Quốc sẵn sàng làm bất cứ điều gì, miễn là điều đó có lợi cho việc xoa dịu tình hình" tại Ukraine.

Vào tháng 5, ông Lý đã có chuyến công du 12 ngày tới Kiev, Warsaw, Paris, Berlin, Brussels và Moscow để tìm tiếng nói chung cho một giải pháp chính trị khả thi cho cuộc chiến ở Ukraine.

Bất chấp nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, triển vọng hòa đàm giữa Moscow và Kiev vẫn mờ mịt khi hai bên đưa ra những điều kiện của riêng mình.

Ukraine nhiều lần tuyên bố, bất cứ kế hoạch hòa giải nào phải bao gồm việc khôi phục toàn bộ chủ quyền lãnh thổ cho Ukraine theo đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1991. Nga nói, họ không thấy triển vọng chấm dứt xung đột khi Tổng thống Ukraine ra luật cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, do vậy, Moscow không còn lựa chọn nào ngoài biện pháp quân sự.

Theo Tass