Nga nêu 2 điều kiện quan trọng để đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine
(Dân trí) - Nga sẵn sàng hòa đàm chấm dứt xung đột với Ukraine, nhưng với những điều kiện nhất định, Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin cho biết.
"Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng tất nhiên với những điều kiện nhất định. Với chúng tôi, có 2 điều rất quan trọng. Thứ nhất, không còn mối đe dọa nào từ Ukraine. Thứ hai, người Nga ở Ukraine phải được đối xử như bất cứ công dân của các quốc gia trên thế giới. Giống cách người Pháp được đối xử ở Bỉ, hay người Đức, Italy ở Thụy Sĩ", Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin trả lời phỏng vấn BBC ngày 28/5.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Chúng ta có thể kiến tạo hòa bình ngay ngày mai nếu phía Ukraine sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, tôi e rằng, ở thời điểm hiện tại không có điều kiện tiên quyết nào cho điều đó bởi vì Tổng thống Ukraine đã cấm mọi cuộc đàm phán (với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin)".
Ngoài ra, theo ông, đóng băng xung đột không phải là một ý tưởng hay bởi nó sẽ "không đảm bảo một nền hòa bình ổn định và bền vững ở châu Âu".
Theo Đại sứ Kelin, mục tiêu quân sự hiện tại của Nga là kiểm soát vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Nhà ngoại giao cũng cho rằng, kết quả cuộc xung đột ở Ukraine phụ thuộc vào việc liệu NATO có tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev hay không. Ông cũng cho rằng, sẽ là sai lầm lớn nếu nghĩ Ukraine sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến này bởi Nga lớn hơn Ukraine 16 lần và có nguồn lực lớn hơn nhiều. Ông khẳng định, Nga vẫn chưa thực sự quyết liệt với chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ông cho biết, học thuyết hạt nhân của Nga không dự tính việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy vậy, ông Kelin lo ngại xung đột sẽ leo thang khó lường nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ngoại trưởng Nga: Phương Tây "đùa với lửa" khi tính cấp F-16 cho Ukraine
Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn một năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tăng cường chuyển vũ khí để giúp Kiev tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn.
Ngoài cung cấp tên lửa tầm xa, các tổ hợp phòng không và xe tăng hiện đại, những nước này đang tính đến lập một "liên minh máy bay chiến đấu" với mục tiêu giúp Kiev có được các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuy vẫn từ chối viện trợ tiêm kích này, nhưng đã bật đèn xanh để các nước đồng minh chuyển cho Ukraine.
Cảnh báo về động thái này của phương Tây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay cho rằng: "Đây rõ ràng là hành động leo thang không thể chấp nhận được, một hành vi đùa với lửa. Mỹ, Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) âm mưu làm suy yếu nước Nga. Tôi hy vọng có những người khôn ngoan ở phương Tây hiểu được điều đó".