1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nêu điều kiện cho tiến trình hòa bình ở Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhà ngoại giao Nga nêu các điều kiện để đạt được tiến trình hòa bình ở Ukraine, bao gồm việc Kiev từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Nga nêu điều kiện cho tiến trình hòa bình ở Ukraine - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin (Ảnh: Tass).

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tass hôm 27/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết cách tiếp cận của Nga trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine vẫn không thay đổi. Các tiếp cận này liên quan đến việc "bảo vệ người dân Donbass, phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine cũng như loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga".

"Chúng tôi tin tưởng rằng giải pháp chỉ có thể đạt được khi quân đội Ukraine và phương Tây chấm dứt hoàn toàn các hành động quân sự. Để đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và ổn định, Ukraine phải trở lại tình trạng trung lập không liên kết được ghi trong tuyên bố chủ quyền quốc gia năm 1990 và từ chối gia nhập NATO, EU", ông Galuzin nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao Nga nói thêm rằng việc bảo vệ quyền của người nói tiếng Nga và các dân tộc thiểu số là một yếu tố thiết yếu của giải pháp hòa bình.

Thứ trưởng Galuzin cáo buộc Mỹ muốn kéo dài cuộc xung đột tại Ukraine và khiến cuộc xung đột trở nên khốc liệt hơn.

"Trong những tháng gần đây, Mỹ và các đồng minh NATO đã mở rộng đáng kể các loại vũ khí cung cấp cho Ukraine, bao gồm xe tăng hạng nặng, pháo tấn công và tên lửa hành trình tầm xa. Các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành để cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu F-16. Washington và London đã thể hiện rõ mong muốn của họ trong việc leo thang xung đột, kéo dài xung đột trong thời gian lâu nhất có thể và khiến nó trở nên khốc liệt hơn", ông Galuzin cho biết thêm.

Theo nhà ngoại giao Nga, "những tuyên bố của các lãnh đạo Ukraine và những phát ngôn thường xuyên của các chính trị gia phương Tây về cuộc phản công sắp tới (của Ukraine) đã phản ánh chính sách nhằm đánh bại Nga về mặt chiến lược".

Ukraine nhiều lần kêu gọi phương Tây chuyển cho Kiev các tiêm kích F-16 trong bối cảnh Nga đang chiếm ưu thế trên không. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng, việc chuyển các tiêm kích F-16 cho Ukraine là chưa cần thiết vào lúc này, nhấn mạnh để bảo vệ không phận, Kiev cần các vũ khí phòng không mặt đất hơn. 

Mặc dù vậy, Lầu Năm Góc tuyên bố họ sẽ không ngăn cản các nước thứ 3 chuyển tiêm kích do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Trước đó, Anh và Hà Lan đã lập một nhóm liên minh quốc tế nhằm thúc đẩy việc chuyển F-16 cho Ukraine, cũng như làm gia tăng năng lực phòng không của Kiev.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev hôm 25/5 cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine có thể kéo dài "hàng chục năm". Theo ông Medvedev, nếu chính quyền Ukraine đương nhiệm vẫn nắm quyền, diễn biến tiếp theo sẽ là "ba năm đình chiến, hai năm xung đột và sau đó mọi thứ lặp lại".

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 20/5 cho biết bằng cách cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, Mỹ đang cố gắng ngăn chặn Chiến tranh thế giới thứ ba. Trong khi đó, Moscow cảnh báo tất cả khí tài của phương Tây đưa vào Ukraine đều trở thành mục tiêu tấn công và phá hủy hợp pháp của quân đội Nga.

Theo Tass