1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quân đội Nga: Thử nghiệm một "diện mạo mới" - Kỳ 3

Ukraine: Những bài học của một cuộc chiến chưa bao giờ xảy ra

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã trở thành bài kiểm tra quan trọng đầu tiên cho Các lực lượng vũ trang Nga được cải cách với một “diện mạo mới”. Trớ trêu thay, họ nhận ra mình đang ở bên bờ vực của cuộc đối đầu quân sự với Ukraine, nhà nước hậu Xôviết mạnh thứ 2 về quân sự sau Nga.

Sự can thiệp âm thầm của Nga vào Crimea vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2014 đã làm cho nhiều người sững sờ và khiến một số nhà quan sát ở phương Tây và Ukraine bàn luận về một “cuộc chiến tranh hỗn hợp” mới. Hoạt động nhằm cung cấp sự trợ giúp về sức mạnh cho phong trào ly khai ở Crimea và ngăn cản sự can thiệp của các lực lượng an ninh Ukraine đã được lên kế hoạch và tiến hành một cách khá tài tình và hiệu quả.

Ukraine: Những bài học của một cuộc chiến chưa bao giờ xảy ra
Đoàn đại diện quân đội Nga tại thị trấn Soledar, vùng Donetsk, ngày 27/9/2014 khi phái đoàn này tới miền đông Ukraine và có các cuộc gặp riêng rẽ với quân đội Ukraine cũng như lực lượng đòi ly khai ở miền đông nhằm thiết lập các thỏa thuận ngừng bắn trong khu vực. (Ảnh: AFP-TTXVN)

Như đã biết hiện nay, Lực lượng không vận Nga, Lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz và Các lực lượng có mục đích đặc biệt mới ra mắt đã đóng vai trò là “polite people” (chỉ các lực lượng không chính quy của Nga ở Ukraine).

Chiến dịch ở Crimea đã diễn ra cùng với một cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu bất ngờ do Tổng thống Putin ra lệnh ở Quân khu miền Tây và một phần Quân khu Trung tâm vào ngày 26/2/2014.

Các mục tiêu được tuyên bố của cuộc kiểm tra đã được thực hiện bằng việc triển khai quân đội ở hầu hết địa điểm cách xa biên giới Ukraine cho đến các khu vực khác của Nga, gồm cả các khu vực phía Bắc.

Điều này đã giúp che giấu việc bố trí lại vài nghìn binh sỹ của Spetsnaz và Lực lượng không vận đến Crimea, cùng với việc bố trí lại các đơn vị quân sự đến biên giới Ukraine như là một hình thức gây áp lực đối với Kiev để ngăn Kiev sử dụng sức mạnh quân sự ở Crimea.

Trong việc triển khai tác chiến, các đơn vị và tổ đội của quân đội Nga đã cho thấy một mức độ sẵn sàng chiến đấu và cơ động rất cao. Vào ngày 12/3/2014, Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới số 18 từ Chechnya đã đến Crimea, hành quân 900 km đến Eo biển Kerch. Tiếp sau đó là Lữ đoàn Pháo binh số 291 đến từ Ingushetia. Với các máy bay vận tải quân sự cung cấp cầu không vận, việc tái bố trí quân đã được tiến hành nhanh chóng một cách ấn tượng.

Trên thực tế, tất cả tổ đội sẵn sàng chiến đấu từ khu vực trung tâm của Quân khu miền Tây và một số lực lượng từ Quân khu miền Nam và Quân khu Trung tâm đã được tái triển khai đến biên giới tiếp giáp Ukraine vào tháng 3 và tháng 4.

Các lữ đoàn bộ binh cơ giới đã di chuyển bằng các xe bọc thép chuyên chở BTR-89/82. Theo ước tính của phương Tây, đến cuối tháng 4/2014, khoảng 80.000 binh sỹ đã tập hợp tại biên giới với Ukraine (bao gồm cả Crimea), trong đó có 40.000 quân trong các đơn vị chiến đấu.

Các báo cáo của phương Tây nói rằng 8 lữ đoàn (3 lữ đoàn bộ binh cơ giới, 3 lữ đoàn tấn công đường không, 1 lữ đoàn lính thủy đánh bộ, và 1 lữ đoàn pháo binh), 4 trung đoàn thuộc Sư đoàn số 2 và số 4 (3 trung đoàn xe tăng và 1 trung đoàn bộ binh cơ giới), 27 tiểu đoàn chiến thuật (14 tiểu đoàn không vận, 12 tiểu đoàn bộ binh cơ giới và 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ), 13 lực lượng đặc nhiệm và lên tới 10 tiểu đoàn pháo binh riêng biệt đã được triển khai gần biên giới Ukraine vào tháng 4.

Các lực lượng này đông hơn nhiều so với quân đội Ukraine mà việc động viên được thông báo hồi tháng 3 đã diễn ra rất chậm chạp, một phần bởi các khu vực căn cứ của Ukraine chủ yếu nằm ở các khu vực miền Tây của nước này – như trong thời Xôviết.

Tàu hải quân Nga tại cảng Sevastopol thuộc Biển Đen (Ukraine) năm 2011. (
Tàu hải quân Nga tại cảng Sevastopol thuộc Biển Đen (Ukraine) năm 2011. (Ảnh: AFP-TTXVN)

Việc Nga triển khai quân một cách nhanh chóng ở Crimea và ở biên giới với Ukraine cũng như ngăn chặn các lực lượng Ukraine trên bán đảo này thực tế đã khiến Kiev không thể đưa ra bất kỳ biện pháp đối phó hiệu quả nào. Kết quả là, vào ngày 17/3, Crimea đã được sáp nhập vào Nga, chưa đến 1 tháng sau khi bắt đầu chiến dịch.

Sự kiện sáp nhập Crimea đã truyền cảm hứng cho cộng đồng nói tiếng Nga ở các khu vực miền Nam và miền Đông Ukraine. Các cuộc phản kháng và chiếm giữ các tòa nhà của chính phủ đã diễn ra trên khắp Ukraine từ đầu tháng 4/2014, và các nhóm vũ trang xuất hiện ở Donbass đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (LPR và DPR).

Tuy nhiên, chính quyền mới của Ukraine đã bắt đầu một chiến dịch quân sự ở Donbass, đưa quân đến để đàn áp những người đòi ly khai.

Theo các biểu hiện bề ngoài, giới lãnh đạo của Nga đã không sẵn sàng cho phản ứng kiên quyết của Ukraine, đặc biệt là giữa các biện pháp trừng phạt ngày càng gia tăng của phương Tây. Vào ngày 24/4/2014, Hội đồng An ninh Nga đã quyết định phản đối việc gửi quân đến Ukraine.

Vào tháng 5, Nga đã bắt đầu rút một lượng lớn binh lính của nước này khỏi biên giới Ukraine. Vào ngày 1/6, đáp lại yêu cầu của Điện Kremlin, Hội đồng Liên bang đã rút lại sự cho phép chính thức đối với việc sử dụng quân đội ở Ukraine.

Những hậu quả thật là tai hại: Kiev đã tự do hành động, và miền Đông Ukraine đã rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu. Cuối cùng, nội chiến ở Donbass đã buộc Nga phải tăng cường sự trợ giúp cho quân nổi dậy đòi ly khai của DPR và LPR.

Chiến thuật này đã lên đến đỉnh điểm với sự thất bại của các lực lượng của Ukraine vốn đã mệt mỏi gần Ilovaisk vào cuối tháng 8. Vào tháng 7, Nga lại bắt đầu tăng cường sự hiện diện của quân đội nước này ở biên giới Ukraine, rõ ràng với ý định kiềm chế hoạt động của quân đội của Ukraine chống lại quân nổi dậy.

Nhưng vì không có cuộc chiến tổng lực nào xảy ra giữa Nga và Ukraine, việc đưa “diện mạo mới” của quân đội vào một bài kiểm tra khắt khe hơn là điều không thể. Tuy nhiên, người ta có thể nói rằng khái niệm tổng thể về cải cách quân đội Nga được hình thành vào năm 2008 đã tỏ ra là đúng đắn và giới lãnh đạo Nga đã có được một lực lượng quân đội sẵn sàng thường trực tương đối hiệu quả có khả năng tiến hành các chiến dịch trên quy mô lớn trong không gian hậu Xôviết mà không cần phải động viên hay tăng cường.

Một bước đột phá lớn đã được thực hiện trong lĩnh vực hậu cần. Sau chiến dịch Gruzia, quân đội Nga trong nhiều năm qua đã tăng cường các năng lực cơ động chiến lược của mình và luyện tập triển khai trên các phạm vi rộng lớn, điều tỏ ra rất hữu ích trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine một lần nữa đã cho thấy rằng điểm yếu của quân đội Nga là số lượng lính nghĩa vụ chiếm phần lớn, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bị giảm đi (1 năm) và thiếu quân nhân phục vụ theo hợp đồng.

Máy bay ném bom Su-24 của Không quân Nga. (
Máy bay ném bom Su-24 của Không quân Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù Nga đã tuyên bố mục đích của việc tạo ra một quân đội sẵn sàng thường trực, nhiều đơn vị và tổ đội quân sự đã không được sử dụng trọn vẹn trong năm 2014 do sự thiếu hụt binh sỹ ở phần lớn các đơn vị và tính chất chu kỳ của việc huấn luyện lính nghĩa vụ.

Kết quả là, các tổ đội “sẵn sàng thường trực” chỉ có thể gửi không quá 2/3 số binh sỹ đến khu vực tác chiến, để lại các binh sỹ chưa được huấn luyện được tuyển mộ trong mùa Thu.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là quân dự bị. Cho đến giờ không có mô hình quân dự bị tối ưu nào hiệu quả đối với “diện mạo mới”. Ngoài ra, vẫn không có cơ chế rõ ràng nào cho việc triển khai các đơn vị và tổ đội bổ sung và thay thế binh sỹ hy sinh trong thời chiến.

Trái ngược với ảo tưởng chung (ở cả phương Tây lẫn ở Nga) rằng một quân đội nhỏ gọn với quân dự bị vừa phải sẽ là đủ trong thời bình, thực tế đòi hỏi rằng các kho dự trữ lớn vũ khí hạng nặng và trang thiết bị, có thể sánh được với các kho dự trữ thời Xôviết, phải được duy trì cho ngay cả một cuộc chiến tranh nhỏ. Bởi vì chi phí để duy trì nguồn lực dự phòng như vậy sẽ rẻ hơn nhiều so với việc điên cuồng lao vào sản xuất vũ khí mới trong trường hợp có chiến tranh.

Cuộc xung đột ở Ukraine cũng bộc lộ khả năng dễ bị tổn hại của các trang thiết bị quân sự trước các vũ khí hiện đại. Trên thực tế, những tổn thất về xe bọc thép (phần lớn là xe tăng), máy bay và trực thăng của Ukraine trong một cuộc chiến không lớn lắm là điều gây choáng váng.

Sử dụng một số lượng tương đối nhỏ các hệ thống phòng không, quân nổi dậy trên thực tế có thể làm tê liệt các hoạt động chiến đấu của Không quân Ukraine. Các xe tăng T-64 bị phá nát đã trở thành một trong những biểu tượng khủng khiếp của cuộc xung đột ở Donbass. Và điều này đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn mới để bảo vệ các vũ khí quân dụng hạng nặng quan trọng.

Theo TTK/baotintuc.vn