1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine nhanh chóng mất một nửa số xe tăng Abrams: Đi tìm nguyên nhân

Minh Phượng

(Dân trí) - Kiev được cho là đã mất 14/31 chiếc xe tăng M1 Abrams mà Washington viện trợ. Chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, thiệt hại là vì trình độ kíp xe tăng Ukraine kém, chứ không phải do thiết kế.

Ukraine nhanh chóng mất một nửa số xe tăng Abrams: Đi tìm nguyên nhân - 1

Xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất bị Nga phá hủy ở Ukraine (Ảnh: Armyrecognition).

Ukraine mất 14 xe tăng M1 Abrams do Mỹ tặng

Ukraine đã được viện trợ rất nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực., trong đó có một số loại thuộc hàng hiện đại nhất thế giới như Leopard 2A6 (do Đức chế tạo), Challenger 2 (Anh).

Mỹ đã phân vân trong việc viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams (phiên bản M1A1) cho Ukraine, nhưng cuối cùng, trước hành động quyết liệt của các quốc gia châu Âu, Washington phải cam kết cung cấp 31 chiếc, đủ trang bị cho một tiểu đoàn tăng.

Tuy nhiên, việc giao M1 Abrams cho Kiev gặp phải sự chậm trễ. Lý do rất đơn giản, không phải Washington thiếu xe tăng mà họ phải tháo dỡ tất cả công nghệ bí mật và có giá trị khỏi xe vì lo ngại rơi vào tay Nga. Khi tiếp nhận, quân đội Ukraine đã chọn giữ xe tăng Mỹ làm lực lượng dự bị chiến lược thay vì triển khai chúng ngay lập tức vào chiến đấu.

Vào cuối tháng 2, sau khi pháo đài Avdiivka thất thủ và quân Nga đang ào ạt tiến về hướng tây, buộc Bộ Tổng tham mưu Ukraine phải tung M1 Abrams vào chiến đấu và chúng nhanh chóng trở thành nạn nhân trước hỏa lực của Nga. Điều đáng kinh ngạc là khả năng bảo vệ của M1A1 Abrams cũng chỉ tương tự như sức chịu đựng của xe tăng châu Âu và Nga.

Phương tiện chiến đấu của Mỹ đã trở thành mục tiêu "ưa thích" của binh sĩ Nga, họ dường như đang tích cực săn lùng những gã khổng lồ bọc thép này. Giờ đây, các báo cáo về việc xe tăng Abrams bị phá hủy liên tục xuất hiện trong các bản cập nhật của Bộ Quốc phòng Nga.

Vậy có bao nhiêu chiếc M1A1 Abrams của Ukraine đã bị phá hủy? Theo kênh Telegram "Bản tin Trung đoàn 1430", cho đến nay, 14 trong số 31 xe tăng Mỹ được giao cho Ukraine đã rời cuộc chơi, kèm theo bằng chứng hình ảnh.

Điều thú vị là cách đây không lâu, hãng tin Mỹ CNN đã phát sóng một phóng sự hấp dẫn về xe tăng Mỹ được biên chế cho Lữ đoàn bộ binh cơ giới 47 Ukraine, được đánh giá là đơn vị tinh nhuệ nhất của lực lượng Kiev.

Phóng viên CNN đã đến thăm  đơn vị xe tăng M1 Abrams của Lữ đoàn 47 và nhận được một số lời chỉ trích "khá gay gắt" đối với chiến xa Mỹ. Các vấn đề bao gồm từ trục trặc kỹ thuật về động cơ và lớp giáp bảo vệ không đủ, cho đến hiện tượng ngưng tụ hơi nước trong điều kiện sương mù và mưa, khiến hệ thống điện của xe tăng bị hỏng. Nhìn chung, theo các kíp xe tăng Ukraine, Abrams không đáp ứng được kỳ vọng.

M1 Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba, được Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng, tuy nhiên, hiện nay Thủy quân lục chiến Mỹ đã loại khỏi biên chế. Xe tăng được đặt theo tên của Tướng Creighton Abrams, nó đã trở thành nền tảng của lực lượng thiết giáp Mỹ kể từ khi được đưa vào biên chế  đầu những năm 1980.

Nổi tiếng với lớp giáp tiên tiến, vũ khí mạnh mẽ và thiết bị điện tử hiện đại, giúp Abrams trở thành một trong những xe tăng tốt nhất thế giới.

Kích thước của M1 Abrams rất lớn, phản ánh vai trò của nó như một phương tiện bọc thép hạng nặng. Xe có chiều dài khoảng 9,77 mét, chiều rộng 3,66 mét và chiều cao 2,44 mét. Trọng lượng của xe khác nhau, tùy theo biến thể, nhưng thường nặng khoảng 60 tấn.

Động cơ của M1 Abrams là động cơ tua-bin khí có công suất 1.500 mã lực, giúp xe có thể đạt tốc độ lên đến 67km/h trên đường nhựa và 48km/h khi di chuyển trên địa hình.

M1 Abrams tự hào có một số đặc tính kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả chiến đấu như lớp giáp tổng hợp, bao gồm cả bằng uranium nghèo (trong một số biến thể), mang lại khả năng bảo vệ đặc biệt, có thể chống lại các loại đạn xuyên giáp.

Ukraine nhanh chóng mất một nửa số xe tăng Abrams: Đi tìm nguyên nhân - 2

Chiếc xe tăng M1 Abrams thứ 4 của Ukraine bị phá hủy ở Berdychi phía tây Avdiivka (Ảnh: MilitaryLand).

Đặc biệt, hệ thống điều khiển hỏa lực của xe rất ưu việt, bao gồm máy đo xa laser, kính ngắm ảnh nhiệt và máy tính đường đạn, cho phép nó tấn công chính xác các mục tiêu ở khoảng cách xa, ngay cả trong điều kiện bất lợi.

M1 Abrams sử dụng pháo nòng trơn M256 120mm - do công ty Rheinmetall của Đức phát triển và sản xuất theo giấy phép tại Mỹ - có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau. Thiết kế nòng trơn của pháo giúp nâng vận tốc đầu nòng cao hơn và cải thiện độ chính xác khi bắn mục tiêu ở cự ly xa.

Các loại đạn pháo tăng của M1 Abrams bao gồm đạn thanh xuyên (APFSDS), được thiết kế để diệt mục tiêu bọc giáp của đối phương, đạn nổ phá, có hiệu quả chống lại cả mục tiêu bọc thép và mục tiêu mềm. Ngoài ra còn có đạn chống tăng đa năng (MPAT), có thể được sử dụng để phá hủy nhiều mục tiêu khác nhau, gồm cả trực thăng bay thấp và đạn ria để phòng thủ tầm gần trước bộ binh.

Tướng Mỹ: Kíp xe tăng của Ukraine quá kém

Trung tướng Quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling, người có nhiều kinh nghiệm với xe tăng Abrams, đã bác bỏ những tuyên bố của binh sĩ Ukraine liên quan đến cáo buộc xe tăng Abrams hoạt động kém trong điều kiện thực chiến.

Tướng Hertling nhấn mạnh, dòng chiến xa này được thiết kế đặc biệt cho chiến trường châu Âu, có tính đến điều kiện địa phương. Ông cho rằng, các vấn đề kỹ thuật rất hay được lính Ukraine báo cáo là do kíp xe không được huấn luyện đầy đủ và sử dụng không đúng cách.

Ngoài ra, ông còn đề cập đến một sự cố được báo cáo bởi kíp xe tăng Abrams của Ukraine, trong đó họ không thể phá hủy một tòa nhà sau khi bắn 17 quả đạn pháo tăng. Tướng Mark Hertling giải thích rằng, vấn đề xuất phát từ việc kíp xe sử dụng sai loại đạn.

Ukraine nhanh chóng mất một nửa số xe tăng Abrams: Đi tìm nguyên nhân - 3

Phương Tây đã và đang viện trợ cho Ukraine nhiều loại vũ khí, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất (Ảnh: Creative).

Xe tăng Abrams không phù hợp với chiến trường Ukraine

Ukraine đã chờ đợi M1 Abrams từ rất lâu, phải mãi tới tháng 9/2023, 31 chiếc M1A1 Abrams mới được bàn giao nhưng tỏ ra không hữu dụng.

Xe tăng phương Tây khó trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi trên chiến trường Ukraine vì số lượng được các đối tác của Ukraine viện trợ quá ít. Thực tế này đã được dự đoán trước đó một thời gian, bây giờ kết quả đã rõ ràng.

Quá trình chuyển giao "lữ đoàn xe tăng Leopard 2" như đã hứa kéo dài hơn một năm và việc sử dụng  vũ khí phương Tây ở chiến trường Ukraine phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt, hay nói đúng hơn là những kỳ vọng phi lý.

AP đưa tin, hiện tại, tất cả số Abrams còn lại đã bị Quân đội Ukraine rút khỏi tuyến 1. Các quan chức quốc phòng Mỹ giải thích rằng, do sự đe dọa nghiêm trọng từ UAV của Nga, nên không phù hợp để xe tăng M1 hoạt động ở tuyến đầu.

Mặc dù đại diện Lữ đoàn  47 Ukraine, đơn vị được giao sử dụng xe tăng Abrams, đã phủ nhận những thông tin của AP: "Các xe tăng M1A1 Abrams đang thể hiện kết quả chiến đấu tuyệt vời trên chiến trường và bộ binh của chúng ta có thể làm gì, khi không có hỏa lực yểm trợ mạnh mẽ như vậy"?

Theo Defense Express của Ukraine, kết quả này đã được dự đoán trước vì các lý do bắt nguồn từ nhiều khía cạnh cùng lúc.

Đầu tiên và quan trọng nhất, không có vũ khí nào có thể trở thành "viên đạn bạc" nếu số lượng ít.

Thứ hai, ở góc độ chiến thuật, Abrams trở thành mục tiêu ưu tiên số 1 trên chiến trường. Ngay khi phát hiện ra mục tiêu này, mọi vũ khí có sẵn của Nga đều chĩa vào nó.

Hơn nữa, về mặt khái niệm, xe tăng phương Tây không được thiết kế để dùng cho mục đích chống bộ binh mà là vũ khí chống tăng chuyên dụng. Quân đội Ukraine hoàn toàn hiểu rõ những đặc điểm này. Ngay cả Giám đốc cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine Kyryl Budanov cũng nhấn mạnh việc sử dụng Abrams "phải rất cẩn thận" trong cuộc phỏng vấn với The Drive từ tháng 9/2023.

"Xe tăng Abrams nên được sử dụng phù hợp cho các hoạt động chiến đấu rất cụ thể và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu được sử dụng ở tiền tuyến trong chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng, chúng sẽ không tồn tại được lâu. Chúng nên sử dụng trong các hoạt động đột phá ở điểm nào đó, nhưng phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng", người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine lưu ý.

Nhưng tất cả những điều này đều nằm ở khía cạnh lý thuyết, khi nói về xe tăng tham gia nhiệm vụ tấn công.

Trên thực tế, Quân đội Ukraine đã học được cách vận hành Abrams cũng như người Nga đang tìm cách chống lại chúng.

Lực lượng phòng thủ Ukraine ở Avdiivka đã sử dụng những chiếc "siêu tăng" M1A1 Abrams của Mỹ làm nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực từ khoảng cách an toàn, giống như các khẩu pháo tự hành, nhằm cố gắng tránh hỏa lực phản công từ các đội chống tăng Nga, chứ không phải cho vai trò là vũ khí đột kích trong cuộc phản công.

Xét đến những tổn thất nặng nề về tăng thiết giáp mà cả Nga và Ukraine phải gánh chịu, trên thực tế, xe tăng kiểu Liên Xô, châu Âu hay Mỹ, đều "không phù hợp với cuộc chiến tranh tổng lực ở Ukraine", Defense Express kết luận.