1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine lộ điểm yếu chí mạng sau khi mất pháo đài Donetsk

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát cảnh báo nếu Ukraine không khắc phục điểm yếu thiếu hệ thống phòng thủ nhiều lớp, họ có thể sẽ phải trả giá đắt trong tương lai gần.

Ukraine lộ điểm yếu chí mạng sau khi mất pháo đài Donetsk - 1

Hàng rào dây thép gai ở một khu vực Ukraine đặt phòng tuyến (Ảnh: Reuters).

Chuyên trang quân sự Ukraine Defense Express nhận định, lực lượng Kiev không có hệ thống phòng thủ nhiều lớp với các công sự kiên cố trải dài theo tiền tuyến. Đây là điểm yếu Nga đã và đang tận dụng khiến họ liên tục giành lãnh thổ trong thời gian qua bất chấp nỗ lực phòng vệ của Ukraine.

Trước tình trạng viện trợ quân sự từ phương Tây "nhỏ giọt", Ukraine không còn cách nào khác là phải cố thủ, cố gắng đẩy lùi làn sóng tấn công dữ dội của Nga nhằm bào mòn dần lực lượng Moscow khiến họ từ bỏ ý chí tiến lên.

Hình thức tác chiến này đòi hỏi một hệ thống phòng thủ nhiều lớp với các vị trí kiên cố, được chuẩn bị trước. Nga đã thành công trong việc ngăn chặn cuộc phản công lớn của Ukraine vào năm ngoái nhờ hệ thống công sự, bãi mìn, bẫy hỏa lực kiên cố.

Một ví dụ khác chính là Avdiivka. Ukraine đã mất 10 năm để xây dựng vị trí phòng thủ, tạo ra một trong những khu vực được bảo vệ kiên cố nhất trên toàn mặt trận. Ukraine đã cầm chân được Nga trong nhiều tháng cho tới khi Avdiivka sụp đổ trong tháng này.

Ukraine tuyên bố rút quân về phía sau để xây dựng phòng tuyến ngăn Nga tiếp tục tiến lên, nhưng trong vài ngày qua, họ liên tục để mất một số ngôi làng.

Defense Express nhận định, vấn đề nằm ở chỗ Ukraine dường như đã không tận dụng thời gian để xây dựng các hệ thống phòng vệ kiên cố từ trước, dẫn tới khi Avdiivka bị mất đi, nhiều tuyến phòng thủ kém kiên cố hơn của Ukraine ở phía sau cũng bị sụp đổ theo dây chuyền.

Trên tiền tuyến của cuộc chiến Ukraine, UAV trinh sát đang được sử dụng với tần suất cao. Ngoài ra, Nga cũng dùng vệ tinh để quan sát hình ảnh phòng tuyến của đối phương và xác định đâu là điểm yếu để có thể khai thác và tấn công.

Defense Express nhận định, quân đội Ukraine dường như đã không xem trọng vai trò của lực lượng công binh trong nhiều năm qua. Họ thiếu quân và thiết bị hiện đại để xây dựng phòng tuyến nhanh chóng và hiệu quả.

Giờ đây, chỉ huy các lữ đoàn chiến đấu là người phải chịu trách nhiệm xây dựng phòng tuyến. Với nguồn lực hạn chế của từng đơn vị, rất khó để tạo ra được các tuyến phòng thủ vững chắc, kéo dài, đủ để ngăn chặn đà tiến dồn dập của Nga.

Một binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến thừa nhận rằng việc mỗi lữ đoàn xây dựng tuyến phòng thủ riêng khiến chúng khó liên kết chặt chẽ được với nhau.

"Phòng thủ phải toàn diện. Nó phải có chiều sâu để đối thủ không thể đi vòng qua nó", binh sĩ trên nói, nhấn mạnh Ukraine chưa tạo ra được hệ thống phòng thủ hiệu quả vì thiếu đi tính bao quát trên toàn mặt trận.

Để so sánh, Nga thường điều động các công ty xây dựng tư nhân đến để tạo tuyến phòng thủ, họ xây dựng những hầm trú ẩn bằng bê tông làm sẵn và đào hố cáo, hào, mương theo một quy hoạch tổng thể duy nhất.

Nhờ vậy, chỉ trong vài tháng hồi năm ngoái, Nga đã xây được phòng tuyến 3 lớp rất vững chắc, thách thức hàng loạt vũ khí phương Tây viện trợ mà Ukraine triển khai.

Mặt khác, giới chuyên gia nhận định Ukraine dường như vẫn muốn "phòng thủ chủ động". Khái niệm này là sự kết hợp giữa mục tiêu giữ các tuyến phòng thủ trong khi tiếp tục hành động tấn công với hy vọng tìm ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng tuyến của Nga để khai thác.

Ukraine có thể không muốn xây các hệ thống quá kiên cố vì nó có nguy cơ làm chiến sự rơi vào trạng thái tĩnh, ảnh hưởng tới kế hoạch phản công trong tương lai.

Mặc dù vậy, trước Nga áp đảo về tiềm lực quân sự và vũ khí, Ukraine có thể sẽ phải tính tới phương án khác để phòng thủ hiệu quả hơn vì họ lúc này đã mất dần thế chủ động trên chiến trường. 

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm