1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine lên tiếng về đề xuất hòa bình của Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine muốn gặp Trung Quốc để thảo luận về đề xuất hòa bình do Bắc Kinh đưa ra.

Ukraine lên tiếng về đề xuất hòa bình của Trung Quốc - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

"Trung Quốc đã nói với chúng tôi rằng họ có một sáng kiến như vậy. Nhưng tôi vẫn chưa thấy sáng kiến này", Tổng thống Zelensky nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Kiev hôm 23/2.

"Tôi nghĩ rằng, việc Trung Quốc bắt đầu lên tiếng về Ukraine và gửi một số tín hiệu là điều rất tốt. Chúng tôi sẽ đưa ra một số kết luận sau khi xem chi tiết cụ thể về những gì họ đưa ra. Chúng tôi muốn có một cuộc gặp với Trung Quốc", ông Zelensky nói thêm.

Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 21/2 cho biết, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc Vương Nghị đã chia sẻ với ông về một số nội dung chính trong kế hoạch hòa bình cho Nga - Ukraine do Bắc Kinh đề xuất.

Ông Kubela không tiết lộ liệu những nội dung chính mà Bắc Kinh đã chia sẻ là gì. Ông cũng nhấn mạnh, Ukraine vẫn ưu tiên công thức hòa bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra hồi cuối năm ngoái. Công thức hòa bình mà ông Zelensky đưa ra gồm 10 điểm, trong đó có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ của Ukraine, bồi thường chiến tranh.

Trung Quốc gần đây đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị đầu tuần này bắt đầu chuyến công du đến Nga và có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mục đích của chuyến đi nhằm tăng cường vai trò của Bắc Kinh trong việc giải quyết xung đột Ukraine. Ông cho rằng có một số lực lượng dường như không muốn đàm phán thành công hoặc chiến sự kết thúc sớm.

Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), ông Vương Nghị công bố rằng Trung Quốc có một kế hoạch hòa bình và sẽ được đưa ra vào đúng ngày chiến dịch quân sự của Nga tròn một năm.

Tuy nhiên, phương Tây tỏ ra hoài nghi về sáng kiến của Trung Quốc.

Tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Vương Nghị ngày 19/2, ông Blinken bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh được cho là đang cân nhắc cấp vũ khí sát thương cho Nga. Ông Blinken cảnh báo hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ song phương nếu khả năng này xảy ra.

Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời chỉ trích phương Tây đang "đổ thêm dầu vào lửa" khi tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân kêu gọi Mỹ hành động nhiều hơn nữa để xoa dịu tình hình, thúc đẩy hòa bình đối thoại, đồng thời ngừng đổ lỗi và lan truyền thông tin sai lệch.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 23/2 nói rằng, NATO đã nhận ra "những dấu hiệu" cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc gửi vũ khí cho Nga để giúp đỡ Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine. Nhà lãnh đạo NATO cho biết Trung Quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cuộc chiến của Nga ở Ukraine là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc.

"Chúng tôi chưa thấy bất kỳ nguồn viện trợ vũ khí sát thương nào từ Trung Quốc sang Nga, nhưng chúng tôi biết những dấu hiệu cho thấy họ đang xem xét và có thể đang lên kế hoạch cho điều đó. Đó là lý do Mỹ và các đồng minh khác đã đưa ra cảnh báo rất rõ ràng. Trung Quốc tất nhiên không nên ủng hộ cuộc chiến bất hợp pháp của Nga, một sự vi phạm luật pháp quốc tế", ông Stoltenberg nói.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine