Ukraine gặp khó dù bắn rơi hàng trăm UAV tự sát của Nga
(Dân trí) - Ukraine nói bắn rơi hàng trăm máy bay không người lái (UAV) tự sát Nga dùng để tập kích các thành phố, nhưng chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy thách thức rất lớn mà Kiev đang phải đối mặt.
Eurasian Times nhận định, việc Nga đang sử dụng chiến lược tập kích dồn dập bằng UAV tự sát đang gây ra áp lực lớn lên lá chắn phòng thủ của Ukraine khiến Kiev buộc phải dùng các tên lửa đắt đỏ để đánh chặn các UAV giá thành rẻ.
Ngày 19/10, Ukraine tuyên bố đã bắn rơi 223 UAV tự sát của Nga trong 36 ngày qua, bằng tên lửa từ máy bay chiến đấu và các hệ thống phòng không.
Mỹ và Ukraine cáo buộc Nga sử dụng UAV mua từ Iran, điều mà cả Tehran và Moscow nhiều lần bác bỏ.
Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder ngày 20/10 nói rằng: "Tôi đánh giá Ukraine đã tác chiến hiệu quả khi đối phó với các UAV tự sát. Tuy nhiên, các UAV thực sự gây ra tác động tàn phá và là mối đe dọa nghiêm trọng".
Ukraine nói rằng, họ đã đánh chặn được phần lớn UAV tự sát của Nga nhằm vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia nói với Eurasian Times rằng, vấn đề ở đây không nằm ở tính hiệu quả của hệ thống vũ khí Ukraine, mà chính là tính bền vững và lâu dài của phương án phòng không này. Sử dụng tên lửa rất đắt đỏ để đánh chặn UAV giá rẻ hơn rất nhiều có thể gây ra những tác động lâu dài tới Ukraine về cả tài chính lẫn quân sự.
William Alberque, Giám đốc Chiến lược, Công nghệ và Kiểm soát Vũ khí của IISS, nói với Eurasian Times: "Máy bay không người lái tự sát giá rẻ là mối đe dọa rất phức tạp. Nga có thể sử dụng một số chiến lược với UAV tự sát để gây ra thiệt hại tối đa cho Ukraine".
"Nga có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau - và tấn công những mục tiêu đó từ những hướng bất ngờ hơn là tấn công trực diện - khiến việc phòng thủ trở nên rất khó khăn. Một cách khác là sử dụng nhiều UAV lao ồ ạt vào một mục tiêu và từ mọi hướng khác nhau làm tăng đáng kể cơ hội bắn trúng đích", ông nói thêm.
Thách thức bủa vây
UAV tự sát giá rẻ có thể gây ra thiệt hại rất lớn. Ví dụ, tuần trước, Ukraine nói một tiêm kích MiG-29 của họ đã bị rơi sau khi đối mặt với một UAV tự sát của Nga. UAV Nga không được thiết kế để không chiến, nhưng trong vụ việc trên, nó dường như đã va chạm với MiG-29 khiến tiêm kích này bị hỏng.
Mặt khác, chuyên gia Alberque nhận định, việc phòng thủ trước vụ tập kích dồn dập bằng UAV là rất tốn kém: "Phòng thủ chống lại UAV rất khó vì lợi thế luôn nghiêng về phía chủ động tấn công. Đối với mỗi 10 USD bạn chi tiêu cho việc phòng thủ, đối thủ chỉ cần chi 1 USD để gây ra thách thức cho các hệ thống đó".
Mỗi chiếc UAV tự sát của Nga chỉ có giá từ 10.000-20.000 USD, nên việc dùng tên lửa đất đối không hoặc hỏa lực phóng từ máy bay giá thành cao từ vài trăm nghìn tới vài triệu USD mỗi quả để đánh chặn là không tối ưu về mặt chiến lược.
Việc Nga phóng UAV ồ ạt vào mục tiêu vừa khiến nguy cơ Ukraine bị đánh trúng tăng cao, vừa khiến Kiev phải chi một khoản lớn để đối phó.
Các quốc gia hiện đang tìm cách đánh chặn giá tối ưu hơn, ví dụ sử dụng năng lực tác chiến điện tử để ngăn cản UAV tự sát. Tuy nhiên, Ukraine hiện chưa sở hữu năng lực đủ mạnh để phong tỏa khu vực không phận rộng lớn bằng vũ khí tác chiến điện tử.
Chuyên gia Vladislav Lobaev của Lobaev Arms nhận định việc sử dụng các tên lửa đắt tiền trị giá 1 triệu USD để chống lại các UAV giá rẻ rất phi thực tế về mặt kinh tế.
Ông Alberque cho rằng, phương án tốt nhất để đối phó với UAV tự sát là phải ngăn chặn chúng đi vào chiến trường ngay từ đầu, ví dụ như tấn công bãi phóng trước khi các UAV xuất phát. Tuy nhiên, đây là một thách thức không nhỏ với Ukraine, vì vậy, ông cho rằng, Kiev sẽ chưa thể giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề phòng ngự trước UAV tự sát trong tương lai gần.