1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine đáp trả cứng rắn sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine chỉ trích quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen của Nga, đồng thời tuyên bố Kiev sẵn sàng tiếp tục hoạt động xuất khẩu.

Ukraine đáp trả cứng rắn sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AP).

"Ngay cả khi không có Nga, mọi thứ vẫn được thực hiện để chúng tôi có thể sử dụng hành lang Biển Đen", Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm 17/7.

Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra sau khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Nga đã rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.

"Chúng tôi không lo sợ. Chúng tôi đã được các công ty sở hữu tàu tiếp cận. Họ nói rằng họ sẵn sàng tiếp tục vận chuyển", ông Zelensky nói thêm.

Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngũ cốc lần đầu tiên vào tháng 8/2022 với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu lương thực từ các cảng trên Biển Đen của Ukraine, cũng như tái khởi động việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga, trong bối cảnh xung đột nổ ra ở Ukraine.

Cho đến nay, thỏa thuận đã cho phép xuất khẩu gần 33 triệu tấn lương thực qua các cảng của Ukraine, theo dữ liệu của Liên hợp quốc.

Theo Nga, thỏa thuận chỉ cho phép xuất khẩu ngũ cốc thương mại từ Ukraine một cách hiệu quả, trong khi xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga vẫn bị phương Tây chặn lại. Nga cũng cáo buộc các nước giàu trục lợi từ phần lớn hàng xuất khẩu của Ukraine.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ là ba nước hưởng lợi chính từ các lô hàng ngũ cốc.

Ukraine đáp trả cứng rắn sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc - 2

Vị trí Biển Đen (Ảnh: NYT).

Moscow đã nhiều lần yêu cầu phương Tây dỡ bỏ cả "các biện pháp trừng phạt trực tiếp và gián tiếp" đối với xuất khẩu nông sản của Nga. Những hạn chế đó không chỉ liên quan đến việc chuyển giao hàng hóa mà còn liên quan đến việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm và các công nghệ, máy móc nông nghiệp cho Moscow. 

Trong bài phát biểu vào tối 17/7, Tổng thống Zelensky cho biết: "Ukraine, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có thể cùng nhau đảm bảo hoạt động của hành lang lương thực và kiểm tra các tàu". Ông Zelensky khẳng định thỏa thuận sẽ tiếp tục hoạt động mà không cần có Nga.

Tổng thống Zelensky tuyên bố "không ai có quyền phá hủy an ninh lương thực của bất kỳ quốc gia nào".

"Tôi đã gửi thư chính thức tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (Recep Tayyip) Erdogan và Tổng thư ký Liên hợp quốc (Antonio) Guterres với đề xuất tiếp tục hoạt động của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hoặc một sáng kiến theo hình thức ba bên theo cách đáng tin cậy nhất", nhà lãnh đạo Ukraine thông báo.

Tổng thống Zelensky cáo buộc Nga "gây nguy hiểm cho hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đen và Biển Azov", đồng thời tấn công các cảng và kho cảng ngũ cốc của Ukraine.

"Hậu quả duy nhất có thể xảy ra của việc này là sự mất ổn định của thị trường lương thực và sự hỗn loạn về xã hội ở các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu lương thực. Lương thực Ukraine đảm bảo nhu cầu cơ bản cho 400 triệu người", ông Zelensky nói.

Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất hàng hóa nông nghiệp quan trọng nhất trên thế giới và là những nhà xuất khẩu chính trên thị trường lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Nga cũng chiếm ưu thế trên thị trường phân bón. 

Theo Reuters