1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga thông báo rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine - 1

Các kho chứa ngũ cốc của Ukraine tại một bến cảng Odessa (Ảnh: Bloomberg).

"Các thỏa thuận Biển Đen chấm dứt hiệu lực từ hôm nay", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm nay 17/7.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, "ngay sau khi các điều kiện của Nga được đáp ứng, Nga sẽ quay trở lại thỏa thuận… Thỏa thuận ngũ cốc đã dừng lại".

Ông Peskov nhấn mạnh, các bên ký kết vẫn chưa tôn trọng một số điểm của thỏa thuận liên quan đến Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng Moscow sẽ "đình chỉ tham gia vào thỏa thuận" nếu hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của nước này bị cản trở.

Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngũ cốc lần đầu tiên vào tháng 8/2022 với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu lương thực từ các cảng trên Biển Đen của Ukraine, cũng như tái khởi động việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga.

Theo Nga, thỏa thuận chỉ cho phép xuất khẩu ngũ cốc thương mại từ Ukraine một cách hiệu quả, trong khi xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga vẫn bị phương Tây chặn lại.

Moscow đã nhiều lần yêu cầu phương Tây dỡ bỏ cả "các biện pháp trừng phạt trực tiếp và gián tiếp" đối với xuất khẩu nông sản của Nga. Những hạn chế đó không chỉ liên quan đến việc chuyển giao hàng hóa mà còn liên quan đến việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm và các công nghệ, máy móc nông nghiệp cho Moscow. 

Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất hàng hóa nông nghiệp quan trọng nhất trên thế giới và là những nhà xuất khẩu chính trên thị trường lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Nga cũng chiếm ưu thế trên thị trường phân bón. 

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm